Cách duy trì thói quen đọc và nghi chép mỗi ngày

Tác giả:
Nguồn:


Năm 2013 mình bắt đầu ghi chép lại những đoạn chữ, trích dẫn về kiến thức, văn học, thơ ca, kinh doanh… mà mình đã rút gọn, tổng hợp lại từ những nhiều đoạn viết gốc. Nên từ rất nhiều các ghi chép ban đầu, ghi chép sao y lại nguyên gốc dần dần trở thành “Ghi chép tổng hợp” sao cho phù hợp với riêng cá nhân mình.

Ghi chép tổng hợp là mình có thể kết nối nhiều điểm tương đồng từ các chương sách khác nhau cho đến các cuốn sách khác nhau, cùng thể loại hoặc khác thể loại. Sau đó mình sẽ cắt gọn, rút tỉa các thông tin gốc ban đầu trở thành loại kiến thức phù hợp với bản thân mình. Kết quả là thông qua việc ghi chép, mình đã học hỏi từ kiến thức trong sách ban đầu và qua thời gian, mỗi ngày viết lại 5 ghi chép mình đã có nhiều kiến thức mới, ý tưởng mới cho riêng mình.

Bản thân Lý Tiểu Long cũng đã bỏ ra hàng năm trời nghiên cứu, học hỏi rất nhiều môn võ công trước khi sáng lập Triệt Quyền đạo của riêng mình thông qua 4 bước :

  • Nghiên cứu từ kinh nghiệm (Đối với mình là qua sách và kĩ năng viết tăng theo thời gian).
  • Tiếp thu điều hữu ích.
  • Loại bỏ điều vô ích.
  • Thêm vào chất riêng của bạn.

Mình cảm thấy việc ghi chép tổng hợp như thế này mỗi ngày từ 7 năm trước đã giúp có ích trong công việc và lối sống của mình. Ghi chép tổng hợp chính là vũ khí tối thượng để tạo ra rất nhiều ý tưởng trong công việc nói chung, chứ không chỉ riêng viết lách.

Có những ghi chép tổng hợp đã cho mình cảm hứng viết lách kiếm tiền, sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết. Bên cạnh đó có những ghi chép tổng hợp rất tối nghĩa trong thời gian trước, và sau đó mình mới hiểu ra được giá trị của nó.

Việc đọc và viết lại các ghi chép mỗi ngày không chỉ là thói quen, mà là một niềm vui, một sổ tiết kiệm chắt lọc lại những thông tin, kiến thức, các ý tưởng, mà bộ nhớ ngắn hạn trong não không thể ghi nhớ hay thấu hiểu ngay được.

Sau hàng năm xây dựng thói quen này, mình nhận ra việc ghi chép và đọc lại hoá ra là cách đơn giản để đưa kiến thức từ bộ nhớ ngắn hạn chuyển sang bộ nhớ dài hạn trong não. Cuối cùng việc cá nhân ai đó ghi nhớ kiến thức được nhiều hơn là một cách quan trọng dẫn tới một cuộc sống thành công và có ý nghĩa.

Điều thú vị nhất là việc xây dựng thói quen này rất dễ dàng và không đòi hỏi việc cần phải có bút và giấy. Bạn có thể viết ngay trong ứng dụng Notes trên smartphone luôn cài đặt sẵn. Mình đang áp dụng ghi chép cả trên điện thoải và sổ, nhưng mình khuyên là các bạn hãy viết xuống giấy vì có một sức mạnh kì lạ truyền tải đến não bộ khi bạn viết hơn là sử dụng laptop, smartphone. Sau cùng, mình vẫn sẽ viết lại từ smartphone ra giấy mới an tâm rằng mình đã thực sự ghi nhớ được một chút kiến thức mới.

Việc chuyển ghi chép ban đầu thành ghi chép tổng hợp phù hợp với mỗi cá nhân cần thời gian, và lâu hay nhanh tuỳ thuộc ở mỗi người. Nhưng mình cam đoan điều đó chắc chắn sẽ xảy ra. Cá nhân mình chỉ là một đứa xuất phát điểm kém hơn so với mặt bằng chung, mà còn nhận được nhiều lợi ích từ việc ghi chép. Mình tin rằng, các bạn những người rất thông minh và tràn đầy năng lượng cho sự học hỏi sẽ sớm hình thành thói quen này nhanh hơn mình rất nhiều.

Dưới đây là 5 chi chép đầu tiên của mình vào năm 8/1/2013. Thú vị nhất là ghi chép thứ 5 là ý tưởng nảy sinh về một truyện ngắn mới trong khi mình mình ghi chép.

  1. Nếu không có sự sáng tạo của các cá nhân thì xã hội sẽ không thể tiến hoá và phát triển như hiện tại. Nhưng vẫn có nhiều xã hội và thể chế vẫn luôn kìm hãm các cá nhân… hãy tôn trọng và đặt niềm tin vào sự sáng tạo của các nhân vì lợi ích của chính xã hội.
  2. Thái độ của bạn trước những điều bên ngoài phụ thuộc vào cách suy nghĩ bên trong bạn. Park Cousin.
  3. Hãy chăm sóc tâm trí bạn thật tốt. Chú ý đến nó và bạn sẽ trở thành người bạn của chính mình. Cho dù sống ở đâu, sử dụng ngôn ngữ nào thì mỗi chúng ta đều sẽ bạn hoặc kẻ căm ghét chính bản thân mình. Bạn có quyền lựa chọn : “Trở thành người bạn tốt hay kẻ thù xấu xa nhất của chính mình”. B.K Đanijanki.
  4. Hãy nhìn vào ly nước và vui vẻ suy nghĩ “Nửa ly nước còn hơn nửa ly không có nước”.
  5. Viết một truyện ngắn có tên “Vai diễn” mà các nhân vật trong truyện thường “diễn xuất” trong ngày. Càng ở trong vai diễn đó càng lâu thì họ càng đồng nhất với vai diễn đó. Những “diễn viên” này nhập vai vì xã hội muốn họ như thế, còn bản thân họ không vui vẻ gì.

Nguồn: Đức Nhân