Cuốn sách “Ba Phút Sơ Cứu” là một nguồn tài liệu hữu ích để hướng dẫn người đọc về các biện pháp sơ cứu cơ bản trong khoảng thời gian quan trọng sau khi xảy ra sự cố y tế. Với những thông tin ngắn gọn, rõ ràng, và hiệu quả, cuốn sách giúp người đọc nắm vững các kỹ năng cần thiết để ứng phó với các tình huống khẩn cấp một cách tự tin và hiệu quả.
Thông qua việc chia sẻ về ý nghĩa của thời gian và cách tác động của các biện pháp sơ cứu đúng cách, cuốn sách không chỉ cung cấp kiến thức mà còn làm nổi bật tầm quan trọng của việc phản ứng nhanh chóng và đúng đắn trong các tình huống khẩn cấp. Điều này giúp tăng cơ hội cứu sống và giảm thiểu tổn thất sức khỏe cho nạn nhân.
Tóm lại, “Ba Phút Sơ Cứu” là một nguồn thông tin hữu ích và cần thiết cho mọi người, giúp họ trang bị những kỹ năng cơ bản để đối phó với các tình huống khẩn cấp một cách hiệu quả.
Hằng ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp một tình huống thương tích, hoặc bệnh tật diễn ra bất ngờ. Tình huống đó có thể xảy ra với chính người thân yêu của bạn. Trong khoảng thời gian nhanh nhất có thể bạn phải quyết định việc cần làm để đảm bảo an toàn cho người bị nạn, cũng như không tự đẩy mình vào các mối nguy hiểm không đáng có (ví dụ tiếp xúc với máu, chất tiết của nạn nhân có bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn, ví dụ: người nhiễm HIV, viêm gan virus B…).
Sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn tại cộng đồng, có thể có sự can thiệp tạm thời trong một tình huống nghiêm trọng trước khi có sự trợ giúp của các nhân viên cứu hộ hoặc nhân viên y tế chuyên nghiệp.
Cuốn sách hướng dẫn sơ cứu ban đầu này được xây dựng dựa trên cơ sở:
1. Các bằng chứng khoa học dựa trên các nghiên cứu về hiệu quả của các phương pháp sơ cứu.
Ví dụ: Chúng ta tin rằng việc hút nọc từ vết rắn cắn là có hiệu quả. Nhưng các nghiên cứu cho thấy đây là thông tin không đúng. Việc hút nọc không những không có hiệu quả, trái lại còn có thể gây hại. Có một nghiên cứu tách chiết được nọc rắn từ dịch hút với lượng không đáng kể (0,04%), còn một nghiên cứu khác trên động vật cho kết quả con vật thí nghiệm chết nhanh hơn….
2. Cơ sở vật chất sẵn có tại chỗ: do điều kiện kinh tế văn hóa mỗi quốc gia mỗi khác nên quan điểm cũng như thái độ trước các trường hợp y tế khẩn cấp sẽ khác nhau.
Ví dụ: Dịch vụ vận chuyển cấp cứu thường tập trung nhiều ở các thành phố lớn, nếu tình huống y tế khẩn cấp xảy ra ở các vùng nông thôn xa đôi khi khó tiếp cận ngay lập tức với nhân viên y tế. Chưa kể tại giờ cao điểm, hiện tượng tắc đường thường xuyên diễn ra. Việc tự đưa người bị nạn đi cấp cứu hay kiên nhẫn chờ xe cứu thương luôn là vấn đề gây tranh cãi và khó tìm được câu trả lời chung. Câu trả lời tùy thuộc vào tình huống cụ thể, vấn đề không phải ai đưa người bị nạn đi cấp cứu mà nó nằm ở việc đưa người bị nạn đi cấp cứu có đảm bảo an toàn hay không.
3. Kinh nghiệm thực tế từ các chuyên gia sẽ điều chỉnh các kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Trong bối cảnh Việt Nam, có quá nhiều các kinh nghiệm dân gian can thiệp vào trong các tình huống y tế khẩn cấp, không hẳn tất cả đều sai, một số có giá trị nhất định trong giai đoạn nào đó của bệnh. Đôi khi chúng làm cản trở quá trình làm lành vết thương nếu áp dụng máy móc các phương pháp đó.
Trong phạm vi cuốn sách này, chúng tôi sẽ phân tích các kinh nghiệm dân gian áp dụng trong các tình huống khẩn cấp và diễn biến tự nhiên của các tổn thương. Từ đó người đọc sẽ tự quyết định có nên áp dụng hay không.
Biết được kiến thức về sơ cứu, trước hết bạn sẽ giúp được người thân của mình, tiếp nữa là những người xung quanh. Trước mỗi tình huống khẩn cấp về y tế, việc thực hiện các biện pháp sơ cứu trong vài phút đầu tiên đúng hay không sẽ giúp cho người bị nạn được hồi phục hay chịu thương tật vĩnh viễn. Ví dụ trong trường hợp chấn thương cột sống cổ, nếu sự nhiệt tình không kèm theo hiểu biết sẽ làm nạn nhân bị liệt vĩnh viễn, nặng hơn nữa là tử vong.
Có ba thời điểm người bị nạn có thể tử vong:
1. Vài giây đến vài phút đầu tiên: trường hợp này người tham gia sơ cứu không làm được gì nhiều ngoài việc hỗ trợ hô hấp và hồi sinh tim phổi cơ bản.
2. Vài phút đến vài giờ: vai trò của người sơ cứu rất quan trọng trong giai đoạn này, các động tác đúng và phù hợp sẽ làm giảm thiểu nguy cơ tử vong, ngăn chặn các diễn biến nặng lên giúp cho người bị nạn hồi phục. Sơ cứu không đúng cách, có thể người bệnh sẽ phải gánh chịu biến chứng suốt đời.
3. Vài giờ đến nhiều giờ: thông thường những trường hợp này đã được can thiệp bởi các nhân viên y tế hoặc các bác sĩ nhưng không có đáp ứng.
Cuốn sách này không thể thay thế được các chương trình đào tạo về kỹ năng sơ cứu từ các chuyên gia. Tôi chỉ hy vọng nó đem lại cho các bạn những kiến thức đúng đắn, giúp chúng ta hiểu biết hơn, từ đó có thái độ tốt hơn trong việc hợp tác và xử trí ban đầu các trường hợp cần hỗ trợ về y tế khẩn cấp khi chưa có nhân viên y tế bên cạnh. Còn muốn từ kiến thức trở thành kỹ năng, bạn phải rèn luyện rất nhiều.
Mời các bạn đón đọc Ba Phút Sơ Cứu của tác giả Ngô Đức Hùng.