Vẫn sử dụng thủ pháp luận cổ suy kim, tác phẩm “Những Quy Luật Của Bản Chất Con Người” của Robert Greene xoay quanh chủ đề trọng tâm: thấu hiểu những thôi thúc và động cơ ẩn sâu trong mỗi con người, ngay cả khi bản thân họ không ý thức được.
Cuốn sách này hướng đến mục tiêu biến độc giả thành “quan sát viên điềm tĩnh và có đầu óc chiến lược hơn”, miễn nhiễm với “bi kịch cảm xúc”. Thoạt nghe có vẻ hứa hẹn cao xa, nhưng ngay cả những người hoài nghi nhất cũng sẽ phải gật đầu tâm phục khẩu phục sau khi khám phá tác phẩm đầy tâm huyết này.
Tác phẩm giúp người đọc vượt qua “quy luật của sự thiếu sáng suốt”, từ đó “mở rộng tâm trí để nhận thức thực tế khách quan, thay vì chìm đắm trong cảm xúc”. Nhờ những phân tích sâu sắc về bản ngã và xã hội, “Những Quy Luật Của Bản Chất Con Người” mang đến cho độc giả trung thành một góc nhìn mới mẻ và đầy sức sống.
Rút ra từ các ý tưởng và tấm gương của Pericles, Nữ hoàng Elizabeth I, Martin Luther King Jr., và nhiều người khác, Robert Greene chỉ cho chúng ta cách tách rời bản thân khỏi các cảm xúc của chính mình và làm chủ sự tự kiểm soát; cách phát triển sự cảm thông dẫn tới sự sáng suốt; cách nhìn xuyên qua chiếc mặt nạ của mọi người; và cách cưỡng lại sự phục tùng để phát triển nhận thức riêng biệt về mục đích của bạn. Dù là trong công việc, trong những mối quan hệ, hoặc trong việc định hình thế giới xung quanh bạn, Những quy luật của bản chất con người cung cấp các chiến thuật để thành công, tự hoàn thiện bản thân và phòng vệ.
Trong cuốn sách này, Robert Greene tìm cách… biến độc giả thành một ‘quan sát viên điềm tĩnh hơn và có đầu óc chiến lược hơn’, miễn nhiễm với ‘bi kịch cảm xúc’. Đó là những hứa hẹn khá cao, nhưng ngay cả những kẻ hoài nghi cũng sẽ trở thành những người tin tưởng sau khi đọc kỹ tác phẩm chỉnh chu của ông. Việc vượt qua ‘quy luật của sự thiếu sáng suốt’, chẳng hạn, dẫn tới khả năng ‘mở rộng tâm trí bạn ra trước những gì thật sự đang diễn ra, trái hẳn với những gì bạn cảm thấy’. Điều tra thận trọng của Robert Greene về cái tôi và xã hội sẽ mang tới cho độc giả trung thành một quan điểm mới mẻ và tràn đầy sức sống.
Các cuốn sách khác có thể bạn sẽ thích
Hãy xem Những quy luật của bản chất con người là một dạng bảng mã để giải mã hành vi của mọi người – bình thường, lạ lùng, tiêu cực, toàn bộ các sắc thái. Mỗi chương xử lý một khía cạnh cụ thể hoặc quy luật cụ thể của bản chất con người. Chúng ta có thể gọi chúng là những quy luật ở chỗ, bên dưới tác động của những sức mạnh cơ bản này, con người chúng ta có khuynh hướng phản ứng theo những cách thức có thể dự đoán một cách tương đối. Mỗi chương chứa đựng câu chuyện về một cá thể hay một số cá thể điển hình vốn minh họa cho quy luật (một cách tiêu cực hoặc tích cực), cùng với những ý tưởng và chiến lược về cách xử lý đối với bản thân và những người khác dưới tác động của quy luật này. Mỗi chương kết thúc với một phần về cách chuyển hóa sức mạnh cơ bản này thành một thứ gì đó tích cực và hữu ích hơn, để chúng ta không còn là những nô lệ thụ động của bản chất con người, và có thể chuyển hóa nó một cách chủ động.
Làm ngơ trước những quy luật của bản chất con người là chuốc họa vào thân. Khước từ không chấp nhận bản chất con người đơn giản có nghĩa là bạn tự lao mình vào những khuôn mẫu nằm bên ngoài khả năng kiểm soát của bạn và vào những cảm giác hỗn loạn và bất lực. Thông qua tác phẩm, độc giả có thể nắm được “bí kíp” nhằm tối ưu thế mạnh, và giảm thiểu rủi ro trong đối nhân xử thế.
Mời các bạn mượn đọc sách Những Quy Luật Của Bản Chất Con Người của tác giả Robert Greene.
—
Giới thiệu
Nếu bạn tình cờ bắt gặp bất kỳ nét hèn hạ hay ngu xuẩn nào… bạn phải cẩn thận đừng để cho nó làm bạn bực mình hay đau khổ, và nên xem nó như một sự bổ sung cho tri thức của bạn – một thực tế mới để suy xét trong việc nghiên cứu tính cách con người. Thái độ của bạn đối với nó sẽ là thái độ của nhà khoáng vật học vô tình gặp được một mẩu khoáng vật rất đặc biệt. – Arthur Schopenhauer
Trong suốt đời mình, chúng ta không thể tránh khỏi việc giao tiếp với nhiều cá nhân khác nhau, những kẻ chuyên gây rắc rối và làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên khó khăn, bực bội. Một số người là lãnh đạo hay ông chủ, một số là đồng nghiệp, và một số là bạn bè. Họ có thể ưa gây hấn hoặc gây hấn thụ động, nhưng nhìn chung họ là những bậc thầy trong việc khai thác các cảm xúc của chúng ta. Họ thường tỏ ra đáng yêu và tự tin một cách thú vị, tràn trề ý tưởng và nhiệt tình, và chúng ta mắc phải bùa mê của họ. Chỉ tới khi quá muộn, chúng ta mới phát hiện ra rằng sự tự tin của họ không hợp lý và những ý tưởng của họ chưa chín chắn. Trong số các đồng nghiệp, họ có thể là những kẻ phá hoại công việc hoặc sự nghiệp của chúng ta vì sự ganh ghét ngấm ngầm, chỉ muốn hạ bệ chúng ta. Họ cũng có thể là những đồng nghiệp hay nhân công khiến cho chúng ta phải nản lòng khi nhận ra rằng họ hoàn toàn ích kỷ, họ sử dụng chúng ta như những bàn đạp để tiến lên.
Điều không thể tránh khỏi trong những tình huống này là chúng ta thường mất cảnh giác, bất ngờ trước những hành vi đó. Thông thường dạng người này sẽ tấn công chúng ta với những câu chuyện được che đậy công phu để bào chữa cho các hành động của mình, hoặc đổ lỗi cho những kẻ bung xung giơ đầu chịu báng. Họ biết cách làm chúng ta rối trí và kéo chúng ta vào một vở kịch mà họ điều khiển. Chúng ta có thể phản kháng hoặc nổi giận, nhưng rốt cuộc chúng ta cảm thấy khá bất lực – tổn hại đã xảy ra. Thế rồi một dạng khác tương tự bước vào cuộc đời của chúng ta, và câu chuyện lặp lại y chang.
Chúng ta thường nhận ra một cảm xúc bối rối và bất lực tương tự khi chúng xảy ra với bản thân mình và hành vi của chính mình. Ví dụ, chúng ta bất ngờ nói điều gì đó làm phật ý ông chủ, đồng nghiệp hoặc bạn bè của mình – chúng ta không hoàn toàn chắc chắn vì sao như vậy, nhưng chúng ta nản lòng khi nhận ra một sự tức giận và căng thẳng từ bên trong đã rò rỉ ra ngoài theo một cách thức khiến chúng ta hối tiếc. Hoặc có lẽ chúng ta hăng hái dồn hết khả năng vào một kế hoạch hay dự án nào đó, chỉ để nhận ra rằng nó hoàn toàn ngu xuẩn và lãng phí thời gian kinh khủng. Hoặc có lẽ chúng ta yêu một kẻ thật sự không phù hợp với chúng ta và chúng ta biết điều đó, nhưng không thể cầm lòng được. Chúng ta tự hỏi: điều gì sẽ xảy đến với mình đây?
Trong những tình huống như thế, chúng ta tự khiến cho mình rơi vào những khuôn mẫu hành vi mà dường như chúng ta không thể kiểm soát được. Như thể chúng ta cho một kẻ xa lạ ẩn náu bên trong mình, một con quỷ nhỏ hành động độc lập với sức mạnh ý chí của chúng ta và thôi thúc chúng ta làm những điều sai trái. Và kẻ xa lạ bên trong chúng ta này khá kỳ quặc, hoặc ít nhất cũng kỳ quặc hơn mức chúng ta tưởng tượng.
Điều chúng ta có thể nói về hai vấn đề này – những hành động xấu xa của mọi người và hành vi đôi khi bất ngờ của chính mình – là thường chúng ta không có một manh mối nào về nguyên do của chúng. Chúng ta có thể bám lấy một trong những lý giải đơn giản sau: “Con người đó xấu xa, một gã tâm thần” hoặc “Có gì đó đã tác động tôi, tôi không còn là mình nữa”. Nhưng những lý giải bình thường như thế không dẫn tới bất kỳ sự thấu hiểu nào hoặc có thể ngăn ngừa những khuôn mẫu tương tự xảy ra lần nữa. Sự thật là nhân loại chúng ta sống hời hợt, phản ứng theo cảm xúc đối với những gì mọi người nói hay làm. Chúng ta hình thành những quan điểm khá giản đơn về kẻ khác và bản thân. Chúng ta chấp nhận câu chuyện dễ dàng và thuận tiện nhất để tự kể với chính mình.
Tuy nhiên, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể đào sâu xuống dưới bề mặt và nhìn sâu vào bên trong, tới gần hơn gốc rễ thật sự của thứ gây ra hành vi của con người? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể hiểu vì sao mọi người trở nên ganh tị và cố phá hoại công việc của chúng ta, hoặc vì sao sự tự tin không đúng chỗ của họ khiến họ tưởng mình giống như thần thánh và không thể mắc sai lầm? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có thể thật sự thăm dò vì sao mọi người đột nhiên cư xử một cách vô lý và để lộ một khía cạnh đen tối hơn nhiều trong tính cách của họ, hoặc vì sao họ luôn sẵn sàng cung cấp một giải thích duy lý cho hành vi của họ, hoặc vì sao chúng ta vẫn tiếp tục quay sang những người lãnh đạo vốn yêu cầu ở chúng ta điều tệ hại nhất? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nhìn sâu vào bên trong và xét đoán tính cách của mọi người, tránh những nhân công tồi tệ và những quan hệ cá nhân gây ra cho mình quá nhiều tổn hại về cảm xúc?
Nếu chúng ta thật sự thấu hiểu căn nguyên của hành vi con người, những dạng người tiêu cực sẽ khó tiếp tục né tránh sự trừng phạt đối với những hành động của họ hơn nhiều. Chúng ta sẽ không dễ dàng bị chuốc bùa mê và trở nên mê muội. Chúng ta sẽ có thể đoán trước sự xấu xa và những thủ đoạn quỷ quyệt của họ, và nhìn thấu những câu chuyện che đậy của họ. Chúng ta sẽ không cho phép bản thân bị lôi kéo vào những vở kịch của họ, biết trước rằng sự chú ý của chúng ta là thứ mà họ dựa vào để nắm quyền kiểm soát. Cuối cùng, chúng ta sẽ tước đi sức mạnh của họ thông qua khả năng nhìn vào những chiều sâu tính cách của họ.
Tương tự, với bản thân chúng ta, chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nhìn vào bên trong và trông thấy nguồn gốc của những cảm xúc rắc rối hơn của mình, và vì sao chúng lèo lái được hành vi của chúng ta, thường là chống lại mong muốn của chính chúng ta? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể thấu hiểu vì sao mình buộc phải khát khao những thứ mà kẻ khác có, hoặc trở nên đồng nhất với một nhóm đến độ chúng ta cảm thấy coi thường những kẻ bên ngoài nhóm đó? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể nhận ra lý do khiến chúng ta nói dối về con người thật của mình, hoặc vô tình xô đẩy kẻ khác tránh xa chúng ta?
Việc có thể thấu hiểu rõ hơn kẻ xa lạ bên trong đó giúp chúng ta nhận ra đó không phải là kẻ xa lạ nào cả mà chính là một phần của chính mình; và chúng ta bí ẩn, phức tạp và thú vị hơn rất nhiều so với mức chúng ta tưởng tượng. Với nhận thức đó, chúng ta có thể phá vỡ những khuôn mẫu tiêu cực trong cuộc sống của mình, thôi tự bào chữa cho bản thân, và có khả năng kiểm soát tốt hơn những gì chúng ta thực hiện và những gì xảy ra với chúng ta.
Nhận thức rõ ràng về chính mình và người khác có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta theo rất nhiều cách thức, nhưng trước tiên chúng ta phải xóa sạch một quan niệm sai lầm phổ biến: Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng hành vi của mình phát xuất phần lớn từ ý thức và ý chí. Việc hình dung rằng không phải lúc nào chúng ta cũng kiểm soát được những gì mình thực hiện là một ý nghĩ đáng sợ, nhưng trên thực tế đó chính là thực tại. Chúng ta lệ thuộc vào những sức mạnh từ sâu thẳm bên trong vốn điều khiển hành vi của chúng ta và hoạt động bên dưới mức nhận thức của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy những kết quả – những ý nghĩ, trạng thái và hành động của chúng ta – nhưng nhận thức rất ít ỏi về cái thật sự tác động lên những cảm xúc của chúng ta và buộc chúng ta cư xử theo những cách thức nhất định.
Ví dụ, hãy xem xét sự tức giận của chúng ta. Chúng ta thường cho rằng một cá thể hay một nhóm là nguyên nhân của cảm xúc này. Nhưng nếu trung thực và đào sâu hơn xuống dưới, chúng ta sẽ thấy rằng cái thường gây ra sự tức giận hay thất vọng của chúng ta có những gốc rễ sâu xa hơn nhiều. Nó có thể là một điều gì đó trong thời thơ ấu của chúng ta hoặc một tập hợp tình huống cụ thể khơi gợi cảm xúc đó. Chúng ta có thể nhận ra những khuôn mẫu riêng biệt nếu chúng ta nhìn – khi điều này hay điều nọ xảy ra, chúng ta nổi giận. Nhưng trong khoảnh khắc tức giận đó, chúng ta không suy nghĩ hay dựa vào lý trí – chúng ta chỉ đơn giản chạy theo cảm xúc và chỉ trích hay lên án kẻ khác. Chúng ta có thể nói đôi điều tương tự về toàn bộ những cảm xúc mà chúng ta cảm thấy – những dạng sự kiện cụ thể khơi gợi sự tự tin, thiếu tự tin hay lo lắng đột ngột, hoặc cảm giác ưa thích một con người cụ thể, hoặc niềm khát khao được kẻ khác chú ý.
Hãy gọi tập hợp những sức mạnh này, vốn xô đẩy, lôi kéo chúng ta từ sâu thẳm bên trong, là bản chất con người. Bản chất con người bắt nguồn từ mạng lưới đặc biệt trong bộ não của chúng ta, là cấu hình của hệ thần kinh, và cách thức loài người chúng ta xử lý những cảm xúc, tất cả những thứ này đã phát triển và kết hợp với nhau trong khoảng năm triệu năm tiến hóa của chúng ta với tư cách một loài. Chúng ta có thể quy nhiều phương diện trong bản chất con người cho cách thức tiến hóa riêng biệt của chúng ta với tư cách một động vật có thuộc tính xã hội(2) nhằm bảo đảm sự sinh tồn – học cách hợp tác với những cá thể khác, phối hợp những hoạt động của chúng ta với nhóm ở một cấp độ cao hơn, sáng tạo những hình thức giao tiếp mới và cách thức để duy trì kỷ luật nhóm. Bước phát triển ban sơ này tiếp tục tồn tại bên trong chúng ta và tiếp tục quyết định hành vi của chúng ta, thậm chí trong cái thế giới hiện đại, phức tạp mà chúng ta đang sống.
Đơn cử một ví dụ, hãy xem xét sự tiến hóa của cảm xúc con người. Sự tồn vong của những tổ tiên sớm nhất của chúng ta phụ thuộc vào khả năng giao tiếp tốt với nhau của họ trước khi ngôn ngữ được phát minh. Họ phát triển những cảm xúc mới và phức tạp – vui, xấu hổ, biết ơn, ghen tuông, oán ghét, vân vân. Có thể lập tức đọc được dấu hiệu của những cảm xúc này trên mặt họ, chúng truyền đạt tâm trạng của họ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Họ trở nên cực kỳ nhạy bén với cảm xúc của kẻ khác như một phương cách để ràng buộc những thành viên trong nhóm với nhau chặt chẽ hơn – cảm thấy vui vẻ hay đau khổ như nhau – hoặc đoàn kết với nhau để đối mặt với hiểm họa chung.
Cho tới tận ngày nay, nhân loại chúng ta vẫn cực kỳ dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc và tâm trạng của mọi người xung quanh, trong khi về phần mình lại thực hiện mọi dạng hành vi như bắt chước kẻ khác một cách vô thức, mong muốn thứ họ có, bị cuốn vào những cảm giác tức tối hay phẫn nộ có tính chất lây lan. Chúng ta tưởng chúng ta đang hành động theo ý chí tự do của chính mình, không nhận ra sự nhạy cảm đối với những cảm xúc của các kẻ khác trong nhóm tác động sâu xa đến mức nào tới những điều chúng ta làm và cách thức chúng ta phản ứng.
Chúng ta có thể hướng những sức mạnh vốn nảy sinh từ phần sâu thẳm này vào kẻ khác; tương tự, chúng cũng nhào nặn hành vi hằng ngày của chúng ta – ví dụ, nhu cầu đối với việc liên tục tự xếp loại và đo lường giá trị bản thân thông qua địa vị xã hội là một đặc điểm nổi bật trong mọi nền văn hóa săn bắn – hái lượm, thậm chí trong loài tinh tinh, cũng như những bản năng có tính chất bộ tộc của chúng ta, vốn khiến cho chúng ta phân loại mọi người thành người trong nội bộ và người ngoài. Chúng ta có thể bổ sung vào những phẩm chất nguyên thủy này nhu cầu đeo mặt nạ để che đậy bất cứ hành vi nào mà bộ lạc không tán thành, dẫn tới việc hình thành một mặt tối trong nhân cách từ mọi khát khao đen tối mà chúng ta kìm nén. Tổ tiên của chúng ta thấu hiểu mặt tối này và sự nguy hiểm của nó, hình dung rằng nó bắt nguồn từ những ma quỷ cần được yểm trừ. Chúng ta dựa vào một huyền thoại khác – “thứ gì đó đã điều khiển tôi”.
Một khi dòng chảy hoặc sức mạnh nguyên thủy bên trong này đạt tới cấp độ ý thức, chúng ta phải phản ứng lại nó, và chúng ta làm điều đó bằng cách dựa vào tinh thần và tình huống cá nhân, thường là lý giải nó một cách mê tín mà không thật sự thấu hiểu nó. Do chính quá trình tiến hóa của nhân loại, chỉ có một số các sức mạnh này trong bản chất con người, và chúng dẫn tới những thái độ đã đề cập bên trên – chẳng hạn như sự ghen ghét, nhận thức phi thực tế về sự vượt trội của mình, sự thiếu sáng suốt, sự thiển cận, sự tuân thủ, sự gây hấn, và sự gây hấn thụ động. Chúng cũng dẫn tới sự thông cảm và các hình thức tích cực khác của hành vi con người.
Trong suốt nhiều ngàn năm, định mệnh của chúng ta là dò dẫm trong bóng tối để tìm hiểu bản thân và bản chất của chính mình. Chúng ta đã bị huyễn hoặc bởi rất nhiều ảo tưởng về con người – động vật – tưởng tượng rằng chúng ta là dòng dõi của một nguồn cội thiêng liêng, của những thiên thần thay vì loài linh trưởng. Chúng ta nhận ra bất cứ dấu hiệu nào của bản chất nguyên sơ và nguồn gốc động vật của chúng ta đều rất khó chấp nhận, một cái gì đó phải bị khước từ và ngăn chặn, chúng ta đã che đậy những xung lực đen tối hơn của mình bằng mọi kiểu biện minh và lý giải duy lý, giúp cho một số người dễ thoát khỏi những hành vi khó chịu nhất hơn. Nhưng rốt cuộc cũng đến một lúc chúng ta có thể vượt qua sự phản kháng đối với thực tại về vấn đề chúng ta là ai thông qua sức mạnh tuyệt đối của tri thức mà chúng ta đã tích lũy được hiện nay về bản chất con người.
Chúng ta có thể khai thác lượng tư liệu tâm lý học phong phú đã tích lũy trong thế kỷ vừa qua, bao gồm những nghiên cứu chi tiết về thời thơ ấu và tác động của quá trình phát triển ban đầu của chúng ta (Melanie Klein(3), John Bowlby(4), Donald Winnicott(5)), cũng như các tác phẩm về nguồn gốc của sự ái kỷ [narcissism: sự tự yêu chính mình] (Heinz Kohut(6)), những mặt ẩn khuất trong tính cách của chúng ta (Carl Jung(7)), những nguồn gốc của sự thông cảm của chúng ta (Simon Baron-Cohen(8)), và cấu trúc của các cảm xúc của chúng ta (Paul Ekman(9)). Hiện nay, chúng ta có thể chọn lựa từ nhiều tiến bộ trong các bộ môn khoa học vốn có thể trợ giúp chúng ta trong việc tìm hiểu chính mình – những nghiên cứu về bộ não (Antonio Damasio(10), Joseph E. LeDoux(11)), về cấu trúc sinh học đơn nhất của chúng ta (Edward O. Wilson(12)), về mối quan hệ giữa cơ thể và tâm trí (V.S. Ramachandran(13)), về các loài linh trưởng (Frans de Waal(14)), và những người săn bắn – hái lượm (Jared Diamond(15)), về hành vi kinh tế của chúng ta (Daniel Kahneman(16)) và về việc chúng ta hoạt động như thế nào trong nhóm (Wilfred Bion(17), Elliot Aronson(18)).
Chúng ta cũng có thể kể thêm trong số này tác phẩm của các triết gia cụ thể (Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzche(19), José Ortega y Gasser(20)), vốn đã soi sáng rất nhiều khía cạnh trong bản chất con người; cũng như những nhận thức sâu sắc của nhiều tiểu thuyết gia (George Eliot(21), Henry James(22), Ralph Ellison(23)), vốn thường là những người nhạy cảm nhất với những phần chưa hiển lộ trong hành vi của chúng ta. Và cuối cùng, nhiều thư viện đang ngày càng mở rộng với các tiểu sử sẵn có, vốn hé lộ bản chất con người trong chiều sâu và trong hành động.
Quyển sách này là một nỗ lực tập hợp lại kho tàng tri thức và ý tưởng mênh mông này từ những nhánh khác nhau, nhằm đưa tới một hướng dẫn chính xác và hữu ích về bản chất con người, dựa vào chứng cứ chứ không phải những quan điểm riêng biệt hay những xét đoán về đạo đức. Nó là một đánh giá duy thực tàn nhẫn về loài người chúng ta, khảo sát xem chúng ta là ai để chúng ta có thể hoạt động với ý thức nhiều hơn.
Hãy xem Những quy luật của bản chất con người là một dạng bảng mã để giải mã hành vi của con người – bình thường, lạ lùng, tiêu cực, toàn bộ các sắc thái. Mỗi chương xử lý một khía cạnh cụ thể hoặc quy luật cụ thể của bản chất con người. Chúng ta có thể gọi chúng là những quy luật ở chỗ, bên dưới tác động của những sức mạnh cơ bản này, loài người chúng ta có khuynh hướng phản ứng theo những cách thức có thể dự đoán một cách tương đối. Mỗi chương chứa đựng câu chuyện về một cá nhân hay một số cá nhân điển hình vốn minh họa cho quy luật (một cách tiêu cực hoặc tích cực), cùng với những ý tưởng và chiến lược về cách xử lý đối với bản thân và những người khác dưới tác động của quy luật này. Mỗi chương kết thúc với một phần về cách chuyển hóa sức mạnh cơ bản này thành một thứ gì đó tích cực và hữu ích hơn, để chúng ta không còn là những nô lệ thụ động của bản chất con người, và có thể chuyển hóa nó một cách chủ động.
Bạn có thể có xu hướng hình dung rằng kiến thức này hơi lỗi thời. Nói cho cùng, bạn có thể lập luận rằng hiện nay chúng ta đã trở nên quá phức tạp và quá tiến bộ về kỹ thuật, quá phát triển và khai sáng; chúng ta đã di chuyển rất xa ra bên ngoài những nguồn cội nguyên sơ; chúng ta đang trong quá trình viết lại bản chất của mình. Nhưng thật ra, thực tế hoàn toàn ngược lại – chúng ta chưa bao giờ lệ thuộc vào bản chất con người và tiềm năng phá hoại của nó hơn hiện nay. Và bằng cách làm ngơ thực tế này, chúng ta đang đùa với lửa.
Hãy xem mức độ chấp nhận của những cảm xúc của chúng ta đã bị đẩy cao đến đâu thông qua truyền thông xã hội, nơi những nỗ lực lan truyền tiếp tục quét qua chúng ta và nơi những nhà lãnh đạo quỷ quyệt nhất có thể khai thác và kiểm soát chúng ta. Hãy nhìn vào sự gây hấn hiện đang được biểu lộ một cách công khai trong thế giới ảo, nơi có thể bộc lộ những mặt tối của chúng ta dễ hơn nhiều mà không gánh chịu những hậu quả. Hãy lưu ý tới khuynh hướng so sánh bản thân với kẻ khác, cảm giác ganh ghét, và việc tìm kiếm vị thế xã hội thông qua sự chú ý chỉ trở nên mạnh mẽ hơn, cộng với khả năng giao tiếp rất nhanh với rất nhiều người của chúng ta. Và cuối cùng, hãy nhìn vào những khuynh hướng có tính chất bộ tộc của chúng ta và việc giờ đây chúng đã tạo được phương tiện hoàn hảo đến mức nào để vận hành bên trong đó – chúng ta có thể tìm ra một nhóm để gắn bó, củng cố những quan điểm có tính chất bộ tộc của chúng ta trong một buồng phản âm ảo, và xem bất cứ kẻ ngoại cuộc nào cũng giống như ma quỷ, dẫn tới việc dọa dẫm đám đông(24). Tiềm năng đối với tình trạng rối ren bắt nguồn từ khía cạnh nguyên thủy của bản chất của chúng ta chỉ ngày càng tăng lên.
Vấn đề rất đơn giản: Bản chất con người mạnh hơn bất kỳ cá nhân nào, bất kỳ thể chế hoặc phát minh kỹ thuật nào. Rốt cuộc nó định hình thứ chúng ta tạo nên để phản ánh chính nó và những cội nguồn nguyên sơ của nó. Nó di chuyển chúng ta như những con chốt.
Làm ngơ những quy luật này là chuốc họa vào thân. Khước từ không chấp nhận bản chất con người đơn giản có nghĩa là bạn tự lao mình vào những khuôn mẫu nằm bên ngoài khả năng kiểm soát của bạn và vào những cảm giác hỗn loạn và bất lực.
NHỮNG QUY LUẬT CỦA BẢN CHẤT CON NGƯỜI được thiết kế để giúp bạn đi sâu vào mọi phương diện của hành vi con người và soi sáng các nguyên nhân gốc rễ của nó. Nếu bạn cho phép nó dẫn đường bạn, nó sẽ nhanh chóng thay đổi cách bạn nhìn nhận mọi người và toàn bộ phương thức để đối xử với họ. Nó cũng sẽ nhanh chóng thay đổi cách bạn nhìn nhận chính mình. Nó sẽ hoàn thành những chuyển biến nhận thức này theo các cách sau:
Đầu tiên, Những Quy luật sẽ hoạt động để chuyển hóa bạn thành một kẻ quan sát mọi người một cách điềm tĩnh hơn và có đầu óc chiến lược hơn, giúp giải phóng bạn khỏi mọi cảm xúc kịch tính khiến bạn kiệt sức một cách không cần thiết.
Việc hòa nhập với mọi người sẽ khuấy động những âu lo và bất an liên quan tới cách thức người khác nhìn nhận chúng ta. Một khi có những cảm xúc như thế, chúng ta rất khó quan sát đúng mọi người, vì chúng ta đã bị lôi kéo vào những cảm giác của chính mình, đánh giá những gì mọi người làm trong phạm vi cá nhân – họ thích hay không thích tôi? Những quy luật sẽ giúp bạn tránh rơi vào cái bẫy này bằng cách vạch rõ rằng nhìn chung mọi người đang đối phó với những cảm xúc và những vấn đề vốn có những gốc rễ sâu xa. Họ đang trải nghiệm một số ước muốn và thất vọng đã hiện hữu trước bạn nhiều năm và nhiều thập kỷ. Bạn cản trở đường lối của họ vào một khoảnh khắc nhất định và trở thành mục tiêu thuận tiện của sự tức giận hay thất vọng của họ. Họ tin tưởng rằng bạn có những phẩm chất mà họ muốn nhìn thấy. Trong hầu hết các trường hợp, họ không quan hệ với bạn với tư cách một cá nhân.
Điều này sẽ không khiến cho bạn khó chịu nhưng nó giải phóng bạn. Cuốn sách này sẽ chỉ bạn cách thức để tránh sự bực mình trước những nhận xét bóng gió, những biểu hiện lạnh nhạt, hay những khoảnh khắc cáu kỉnh của họ. Càng bám sát cuốn sách này, bạn sẽ càng dễ phản ứng, không phải với những cảm xúc của mình, mà đúng hơn với ước muốn thấu hiểu hành vi của họ xuất phát từ đâu. Bạn sẽ cảm thấy điềm tĩnh hơn nhiều trong tiến trình này. Và khi điều này bắt rễ sâu trong bạn, bạn sẽ ít có khuynh hướng lên lớp hay phán xét mọi người; thay vì vậy, bạn sẽ chấp nhận họ và những thiếu sót của họ như một phần của bản chất con người. Mọi người sẽ thích bạn hơn nhiều khi họ cảm nhận được thái độ khoan dung này ở bạn.
Thứ hai, Những Quy luật sẽ biến bạn thành một bậc thầy diễn dịch đối với những ám chỉ mà mọi người liên tục phát ra, mang tới cho bạn khả năng lớn hơn nhiều trong việc xét đoán hành vi của họ.
Thông thường, nếu chúng ta chú ý tới hành vi của mọi người, chúng ta đang vội vã gán những hành động của họ vào những phạm trù và vội vã đi tới những kết luận, từ đó chúng ta đưa ra những phán xét phù hợp với định kiến của chính chúng ta. Hoặc chúng ta chấp nhận những lý giải vị kỷ của họ. Những Quy luật sẽ xóa bỏ khỏi bạn thói quen này bằng cách làm rõ việc hiểu sai mọi người dễ dàng xảy ra như thế nào và những ấn tượng đầu tiên có thể mang tính chất lừa dối như thế nào. Bạn sẽ bước chậm lại, không tin vào xét đoán ban đầu của mình, và thay vào đó bạn tự rèn luyện cho mình thói quen phân tích những gì bạn nhìn thấy.
Bạn sẽ suy nghĩ theo hướng ngược lại – khi mọi người thể hiện một cách thái quá một đặc tính nào đó, như sự tự tin hoặc nam tính vượt mức bình thường, thông thường hầu hết đều đang che đậy một sự thật ngược lại. Bạn sẽ nhận ra rằng mọi người đang tiếp tục đóng kịch trước công chúng, tỏ ra ta đây tiến bộ hoặc thánh thiện chỉ để ngụy trang tốt hơn mặt tối của họ. Bạn sẽ nhìn thấy những dấu hiệu của mặt tối này rò rỉ ra trong cuộc sống hằng ngày. Nếu mọi người thực hiện một hành động dường như khác với tính cách bình thường của họ, bạn sẽ nhận thấy: Thông thường những gì khác với tính cách bình thường thật ra lại chính là tính cách thật sự của họ. Nếu về bản chất, người lười nhác hay ngốc nghếch, họ để lộ manh mối của đặc điểm này trong những chi tiết nhỏ nhất mà bạn có thể nhận ra trước khi hành vi của họ gây tổn hại cho bạn. Khả năng đo lường giá trị thật sự của mọi người, mức độ trung thành và tận tâm của họ, là một trong những kỹ năng quan trọng nhất bạn có thể thủ đắc, giúp bạn tránh những nhân công, đối tác và quan hệ xấu vốn có thể khiến cuộc sống của bạn trở nên khốn khổ.
Thứ ba, Những Quy luật sẽ mang tới cho bạn khả năng chống trả và chiến thắng trong cuộc đấu trí với những dạng người xấu xa vốn chắc chắn sẽ cản đường đi của bạn và có khuynh hướng gây ra sự tổn hại lâu dài về cảm xúc.
Những kẻ hung hăng, đố kỵ và quỷ quyệt không thường lớn tiếng tuyên bố về mình theo cách đó. Họ đã học được cách tỏ ra đáng mến trong những lần gặp gỡ ban đầu, sử dụng sự tâng bốc và những phương tiện khác để tước bỏ vũ khí của chúng ta. Khi họ khiến cho chúng ta ngạc nhiên vì hành vi xấu xa của họ, chúng ta cảm thấy bị phản bội, tức giận và trở nên bất lực. Họ tạo ra áp lực thường xuyên, có nghĩa là khi làm điều đó họ áp đảo tâm trí của chúng ta với sự hiện diện của họ, khiến cho việc suy nghĩ đúng đắn hay trù bị kế hoạch trở nên khó khăn gấp bội.
Những Quy luật sẽ dạy bạn cách nhận diện ngay từ đầu những dạng này, và đó là cách phòng vệ tuyệt vời nhất để chống lại họ. Bạn sẽ tránh xa họ, hoặc, nhìn thấy trước những hành động quỷ quyệt của họ, bạn sẽ không bị tấn công bất ngờ và do vậy sẽ có khả năng duy trì sự cân bằng cảm xúc tốt hơn. Bạn sẽ không thèm đếm xỉa tới họ và tập trung vào những nhược điểm và bất an rành rành ở phía sau mọi sự ầm ĩ phô trương của họ. Những câu chuyện hoang đường của họ không thể lừa bịp bạn, và điều này sẽ vô hiệu hóa sự dọa dẫm mà họ dựa vào. Bạn sẽ coi khinh những câu chuyện che đậy và những lý giải dông dài về hành vi ích kỷ của họ. Khả năng giữ sự điềm tĩnh của bạn sẽ khiến cho họ tức điên lên và thường đẩy họ tới chỗ lừa dối hoặc phạm sai lầm.
Thay vì phải chịu đựng với những cuộc chạm trán này, bạn thậm chí có thể đánh giá chúng như một cơ hội để nâng cao những kỹ năng tự chủ và củng cố sức mạnh tinh thần của mình. Việc khôn ngoan hơn, dù chỉ một trong những dạng người này, sẽ mang tới cho bạn lòng tự tin, rằng bạn có thể xử lý điều tệ hại nhất trong bản chất con người.
Thứ tư, Những Quy luật sẽ chỉ cho bạn những đòn bẩy thật sự để thúc đẩy và tác động tới mọi người, giúp cho con đường của bạn trong cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.
Thông thường, khi gặp phải sự chống đối lại những ý tưởng hay kế hoạch của mình, chúng ta không thể không cố làm cho mọi người đổi ý bằng cách tranh luận, giảng giải, hoặc phỉnh phờ họ; tất cả những cách thức này đều khiến họ trở nên phòng thủ hơn. Những Quy luật sẽ chỉ bạn rằng, theo lẽ tự nhiên, mọi người khá ngoan cố và thích chống lại sự tác động. Bạn phải bắt đầu bất kỳ nỗ lực nào bằng cách hạ thấp sự chống đối của họ và không bao giờ vô tình cung cấp điều kiện cho những khuynh hướng phòng thủ của họ. Bạn sẽ tự rèn luyện để ý thức được những nỗi bất an của họ và không bao giờ vô tình khuấy động chúng. Bạn sẽ tư duy với ý thức về tính tư lợi và sự cố chấp cần được công nhận của họ.
Khi hiểu rõ tính chất dễ thẩm thấu của cảm xúc, bạn sẽ biết rằng phương tiện hữu hiệu nhất của tầm ảnh hưởng là thay đổi tâm trạng và thái độ của mình. Mọi người phản ứng với năng lượng và hành vi của bạn thậm chí hơn nhiều so với những lời lẽ của bạn. Bạn nên từ bỏ bất cứ sự phòng vệ nào về phần mình. Thay vì vậy, cảm giác thoải mái và thành thật quan tâm tới những người khác sẽ có một hiệu ứng tích cực và có tính chất thôi miên. Với tư cách một người lãnh đạo, các phương tiện tốt nhất của bạn để lái mọi người theo hướng của mình nằm trong việc tạo nên một bầu không khí thích hợp thông qua thái độ, sự cảm thông và đạo đức lao động của bạn.
Thứ năm, Những Quy luật sẽ giúp bạn nhận ra các nguồn lực của bản chất con người hoạt động sâu như thế nào bên trong bạn, mang tới cho bạn khả năng thay đổi những khuôn mẫu tiêu cực của chính mình. Phản ứng tự nhiên của chúng ta khi đọc hoặc nghe nói về những phẩm chất đen tối hơn trong bản chất con người là loại trừ chúng khỏi bản thân chúng ta. Kẻ ái kỷ, thiếu sáng suốt, đố kỵ, phi thực tế, ưa gây hấn, hoặc gây hấn thụ động luôn luôn là một cá nhân khác. Hầu như chúng ta luôn luôn nhận thấy bản thân mình có những dự định tốt đẹp nhất. Nếu chúng ta đi chệch hướng, đó là do lỗi của hoàn cảnh hoặc do mọi người buộc chúng ta phải phản ứng một cách tiêu cực. Những Quy luật sẽ giúp bạn hoàn toàn ngưng lại quá trình tự đánh lừa bản thân này. Tất cả chúng ta chẳng khác gì nhau(25), và có chung những khuynh hướng như nhau. Càng sớm nhận ra điều này, khả năng của bạn trong việc khắc phục những tính cách tiêu cực tiềm tàng bên trong con người mình càng lớn. Bạn sẽ kiểm tra các động cơ, nhìn vào mặt tối của chính mình, và trở nên ý thức về những khuynh hướng gây hấn thụ động của bạn. Điều này giúp bạn nhận ra dễ dàng hơn rất nhiều những tính cách như thế ở kẻ khác.
Bạn cũng sẽ trở nên khiêm tốn hơn, ý thức được rằng bạn không có gì vượt trội hơn so với những người khác theo cung cách bạn từng tưởng tượng. Sự tự nhận thức về mình này sẽ không khiến cho bạn có cảm giác tội lỗi hay nặng lòng, mà hoàn toàn ngược lại. Bạn sẽ chấp nhận chính mình như một cá thể trọn vẹn, có cả tốt lẫn xấu, từ bỏ ý thức tự đánh lừa bản thân rằng bạn là một vị thánh. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi thoát khỏi những hành động đạo đức giả và tự do trở thành chính mình hơn. Phẩm chất này của bạn sẽ thu hút mọi người.
Thứ sáu, Những Qụy luật sẽ chuyển hóa bạn thành một con người biết cảm thông, tạo ra những liên kết sâu sắc và vừa ý hơn với mọi người xung quanh bạn.
Loài người chúng ta được sinh ra với một tiềm năng lớn lao trong việc thấu hiểu mọi người ở mức độ không chỉ đơn thuần về mặt trí tuệ. Đó là một năng lực mà tổ tiên của chúng ta đã phát triển, trong đó họ học được cách trực cảm những tâm trạng và cảm giác của người khác bằng cách đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ.
Những Quy luật sẽ hướng dẫn bạn cách đưa tiềm năng này tới những cấp độ lớn nhất có thể. Bạn sẽ học được cách xóa bỏ dần dần cuộc độc thoại nội tâm không ngớt của mình và lắng nghe chăm chú hơn. Bạn sẽ tự rèn luyện bản thân để thấu hiểu quan điểm của người khác càng nhiều càng tốt. Bạn sẽ sử dụng trí tưởng tượng và những kinh nghiệm của mình để cảm nhận được người khác có thể cảm thấy thế nào. Nếu họ miêu tả một điều gì đó đau đớn, bạn cũng có những giây phút đớn đau của chính mình để đem ra đối chiếu. Bạn sẽ không chỉ trực cảm, mà sẽ phân tích thông tin bạn thu thập được từ thái độ cảm thông này, và thủ đắc những hiểu biết sâu sắc. Bạn sẽ tiếp tục một chu kỳ giữa sự cảm thông và phân tích, luôn cập nhật những gì bạn quan sát được và tăng cường khả năng của mình trong việc nhìn thế giới qua con mắt của họ. Bạn sẽ chú ý một cảm giác kết nối về thể lý giữa bạn và người khác sẽ nảy sinh từ cách làm này.
Bạn sẽ cần tới một mức độ khiêm tốn trong quá trình này. Bạn không bao giờ có thể biết chính xác điều mọi người đang nghĩ và có thể dễ dàng phạm sai lầm, do đó bạn không được vội vã xét đoán mà phải cởi mở tấm lòng để học hỏi nhiều hơn. Mọi người phức tạp hơn bạn nghĩ nhiều. Mục tiêu của bạn đơn giản là nhìn thấy rõ hơn quan điểm của họ. Quá trình học hỏi này giống như một cơ bắp; bạn càng tập luyện nhiều, nó càng rắn chắc.
Việc nuôi dưỡng sự cảm thông như thế có vô số lợi ích. Tất cả chúng ta đều chỉ quan tâm tới chính mình, bị khóa chặt trong thế giới riêng. Thoát khỏi bản thân và hòa nhập vào thế giới của người khác là một trải nghiệm mang tính liệu pháp và giải phóng tâm hồn. Đó chính là cái đã lôi cuốn chúng ta hướng tới điện ảnh và bất kỳ hình thức hư cấu nào, nhằm bước vào tâm hồn và quan điểm của những người rất khác biệt với chúng ta. Thông qua cách làm này, toàn bộ cung cách tư duy của bạn sẽ chuyển biến. Bạn đang tự rèn luyện bản thân để thoát khỏi những định kiến, sống trong khoảnh khắc hiện tại, và tiếp tục điều chỉnh những ý tưởng của mình về mọi người. Bạn sẽ nhận ra sự linh động đó ảnh hưởng tới cách bạn tấn công vào những rắc rối nói chung – bạn sẽ nhận ra mình đang nuôi dưỡng những khả năng khác, có những quan điểm thay đổi linh hoạt. Đây chính là bản chất của tư duy sáng tạo.
Cuối cùng, Những Quy luật sẽ chuyển đổi cách bạn nhìn nhận tiềm năng của chính mình, giúp bạn nhận thức được một cái tôi lý tưởng, cao hơn trong bạn, kẻ mà bạn muốn thể hiện.
Có thể nói rằng nhân loại chúng ta có hai bản ngã [hoặc cái tôi] trái ngược nhau ở bên trong – một thấp hơn và một cao hơn. Bản ngã thấp hơn có xu hướng mạnh mẽ hơn. Những thôi thúc của nó kéo chúng ta xuống những phản ứng mang tính cảm xúc và những thái độ phòng vệ, khiến chúng ta cảm thấy mình luôn đúng và vượt trội hơn người khác. Nó khiến chúng ta cố chộp lấy những lạc thú và trò tiêu khiển trước mắt, luôn chọn con đường ít trở ngại nhất. Nó dẫn dụ chúng ta làm theo điều người khác đang nghĩ, đánh mất bản thân trong nhóm.
Chúng ta cảm thấy những thôi thúc của bản ngã cao hơn khi chúng ta vượt thoát khỏi bản thân, muốn nối kết sâu hơn với kẻ khác, tập trung tâm trí vào công việc của mình, suy nghĩ thay vì phản ứng, đi theo con đường riêng của chính mình trong cuộc sống, và phát hiện ra cái khiến chúng ta trở nên độc đáo. Bản ngã thấp hơn là khía cạnh có tính chất động vật và phản ứng nhiều hơn trong bản chất của chúng ta, và khía cạnh mà chúng ta dễ dàng trượt vào. Bản ngã cao hơn là khía cạnh con người thật sự hơn của bản chất của chúng ta, khía cạnh khiến chúng ta chín chắn và tự ý thức về bản thân. Vì xung lực của bản ngã cao hơn thì tinh thần con người yếu ớt hơn, việc kết nối với nó đòi hỏi sự nỗ lực và sáng suốt.
Thể hiện cái tôi lý tưởng này bên trong chúng ta là điều chúng ta thật sự mong muốn, vì chỉ với việc phát triển khía cạnh này của bản thân, nhân loại chúng ta mới cảm thấy thật sự mãn nguyện vì đã phát triển trọn vẹn năng lực của mình. Quyển sách này sẽ giúp bạn hoàn thành điều đó bằng cách giúp bạn ý thức được những nguyên tố tích cực và có tiềm năng tích cực chứa đựng trong từng quy luật.
Khi biết rõ xu hướng thiên về sự thiếu sáng suốt của mình, chúng ta sẽ học để trở nên ý thức về cách thức các cảm xúc tô điểm tư duy của bạn (chương 1); mang tới cho bạn khả năng giảm thiểu chúng và trở nên thật sự sáng suốt. Khi biết thái độ trong cuộc sống của chúng ta tác động tới những gì xảy đến với chúng ta như thế nào, và tâm trí chúng ta có xu hướng khép chặt do sợ hãi (chương 8), bạn sẽ học được cách rèn luyện một thái độ cởi mở và không biết sợ. Khi biết mình có xu hướng so sánh bản thân với những người khác (chương 10), bạn sẽ sử dụng nó như một sự khích lệ để trở nên vượt trội trong xã hội thông qua việc lao động tốt hơn, ngưỡng mộ những người có các thành tựu lớn lao, và cạnh tranh với họ do được gợi cảm hứng từ tấm gương của họ. Bạn sẽ vận dụng phép lạ này với từng phẩm chất căn bản, sử dụng kiến thức đã mở rộng về bản chất con người để chống lại sự lôi kéo mạnh mẽ hướng xuống bản chất thấp kém hơn của mình.
Hãy nghĩ về quyển sách này theo cách sau: Bạn sắp trở thành một thợ học nghề về bản chất con người. Bạn sẽ phát triển một số kỹ năng – cách quan sát và đo lường tính cách của những người đồng loại và nhìn vào những chiều sâu của chính mình. Bạn sẽ hành động để thể hiện bản ngã cao hơn của mình. Và thông qua thực hành, bạn sẽ trở thành một bậc thầy của nghệ thuật này, có khả năng ngăn cản điều tệ hại nhất mà kẻ khác có thể ném vào bạn và tự biến mình thành một cá nhân sáng suốt hơn, có ý thức hơn về bản thân, và hữu ích hơn.
Con người sẽ chỉ trở nên tốt hơn khi bạn khiến cho y nhìn thấy y là kẻ như thế nào.
Anton Chekhov