“Tết Ở Làng Địa Ngục” của tác giả Thảo Trang không chỉ là một cuốn sách kinh dị giải trí mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mở ra một thế giới đen tối và huyền bí. Trong câu chuyện, chúng ta được đưa đến một ngôi làng trên ngọn núi hoang vu, nơi mà không khí đầy rẫy sự lo ngại và giận dữ. Người dân trong làng sống trong sự hoài nghi và ám ảnh của những ký ức đen tối từ thế hệ trước, khi làng Địa Ngục được biết đến là nơi trú ngụ của băng cướp khét tiếng ở truông nhà Hồ dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Cuộc sống trong làng đầy những gánh nặng của quá khứ, và đặc biệt, trong đêm cuối năm lạnh giá, ông Thập – một người duy nhất có quyền rời khỏi làng – nhận được một báo mộng kỳ lạ. Hình ảnh một âm hồn mặc quan phục màu đỏ rực xuất hiện, là dấu hiệu của một nguy cơ lớn đang rình rập làng Địa Ngục. Từ đó, câu chuyện bắt đầu mở ra một thế giới huyền bí, nơi mà những sinh vật siêu linh và thế lực bí ẩn làm cho người đọc không ngừng tò mò.
Điều đặc biệt độc đáo của “Tết Ở Làng Địa Ngục” là sự kết hợp tinh tế giữa yếu tố truyền thống và sự đổi mới. Thảo Trang không chỉ tạo ra một không gian đen tối và u ám mà còn làm cho độc giả cảm nhận được vẻ đẹp đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Ngôn ngữ phong phú và môi trường mô tả chân thực đưa người đọc đắm chìm hoàn toàn trong thế giới mê hoặc này.
Cuốn sách không chỉ là một câu chuyện hấp dẫn mà còn là một hành trình khám phá về văn hóa và tâm linh Việt Nam. Những câu nói như những dải mảnh kí ức, vừa rợn người vừa gợi nhắc về những giá trị văn hóa độc đáo. Từ những đoạn miêu tả sắc nét đến những chi tiết tinh tế, “Tết Ở Làng Địa Ngục” không chỉ là một tác phẩm giải trí mà còn là một kiệt tác nghệ thuật đánh dấu sự sáng tạo và tài năng của tác giả. Cuốn sách hứa hẹn mang lại trải nghiệm độc đáo và không thể quên cho những người đam mê văn hóa và kinh dị.
—
“Tết ở làng địa ngục” là tác phẩm đầu tay của Thảo Trang – Một tác giả trẻ có niềm say mê vô bờ bến với văn hóa dân gian, với phong tục, tập quán, lễ hội được người xưa đề ra và gìn giữ qua nhiều thế h
Đọc “Tết ở làng địa ngục”, độc giả sẽ được “thưởng thức” rất nhiều đặc sản, mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc như rượu ngô, trâu gác bếp, bánh chưng gù…, sẽ được “tiếp xúc” với cái lạnh cắt da cắt thịt, với màu trắng đục mờ, bảng lảng của sương, với không gian yên ắng mênh mông, tiếng âm âm, u u, xen lẫn những tiếng rít sắc lẹm của gió đồng thời run rẩy, thảng thốt trước những phân đoạn vô cùng máu me, kinh dị: cá chép rỉa thịt người sống, để người khác ăn thị chính gia đình mình, giết người rồi moi tim, móc mắt, thậm chí đào mộ, chặt đầu ngâm rượu…v…v…
Tuy là tác phẩm “chào sân” nhưng “Tết ở làng địa ngục” vẫn chứng tỏ được trí tưởng tượng phong phú, vẫn cho thấy sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật, tầm nhìn về việc truyền tải những thông điệp nhân sinh thông qua sáng tác và cả tình yêu nước của Thảo Trang. (Chị thoả sức sáng tạo nhưng vẫn không quên lồng ghép vào câu chuyện những thông tin mang tính truyền thống. Chị tạo ra điểm nhấn cá nhân bằng các chi tiết rợn người nhưng vẫn đề cao cái đẹp, cái tốt; phê phán, lên án cái ác, cái xấu… Và với bối cảnh xuất bản bị xâm lấn bởi ngoại văn khiến các tác giả trẻ bị ảnh hưởng, thậm chí hòa lẫn như hiện nay thì cái âm sắc đậm chất vùng miền, cái không khí linh thiêng, đan xen các phong tục tập quán Việt mà chị “vẽ ra” quả thật vô cùng đáng quý và có tác dụng kết nối độc giả, mọi người ạ!
Phát biểu cảm nghĩ cá nhân một chút: Khác với một số mọt có phần bất mãn khi ông Thập – nhân vật chính của câu chuyện quá vô dụng, “chẳng làm được gì”, mình lại thấy thương, thông cảm và quý ông. Bởi cho đến cuối truyện, dù bị hiểu lầm, bị nghi kị, ông vẫn nghĩ cho người khác, vẫn chọn quay về làng, vẫn muốn hy sinh thân mình làm mồi nhử và giữ được phần người cao quý. (Còn việc ông trở nên bé nhỏ, bất lực khi đứng trước các quỷ sự thì cũng dễ hiểu thôi, vì suy cho cùng, dù mang danh trưởng làng, ông vẫn chỉ là một người đàn ông bình thường trong khi đối thủ của ông lại là một người phụ nữ đáng sợ, có sự giúp đỡ của ác quỷ, biết dùng vu thuật, điều khiển rắn, ăn hồn, uống phách trẻ con… ><)
—
HỒI MỞ ĐẦU
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ sợ phá Tam Giang
Phá Tam Giang ngày nay đã cạn
Truông Nhà Hồ nội tán cấm nghiêm.
Cho đến tận bây giờ, nhiều người dân ở miền trung nắng gió vẫn còn thuộc lòng những câu thơ ấy. Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng chẳng mấy ai biết được rằng đằng sau những câu thơ đó lại ẩn chứa khoảng kí ức về một thời kì kinh hoàng.
Truông Nhà Hồ trước đây vốn nằm tiếp giáp với hai châu Đại Lý và Minh Linh ( nay thuộc Quảng Trị). Thủa trước nơi đây vốn là một vùng đất hoang vu hẻo lánh cây cối bạt ngàn, cỏ mọc cao quá đầu người. Nhắc đến truông Nhà Hồ, người dân quanh vùng đều run rẩy sợ hãi. Cái họ sợ không phải là bãi đất hoang sơ, cỏ mọc um tùm nhiều rắn rết. Thứ khiến họ khiếp đảm bởi nơi đây chính là sào huyệt của một băng cướp nguy hiểm, dân gian quen gọi với danh từ thảo khấu – băng cướp.
Câu chuyện xảy ra vào thời nhà Nguyễn, khi ấy truông Nhà Hồ nổi lên như một địa danh khét tiếng. Hễ cứ ai đi qua đó thường bị bọn cướp bắt bớ, giết chóc, trấn lột của cải, đòi tiền mãi lộ. Có gia đình buôn tơ lụa người miền ngược đi ngang qua, nhân khẩu cũng phải lên đến cả trăm người cũng bị bọn cướp giết sạch,rồi tẩu tán đống tơ lụa đi khắp nơi. Người ta kể lại rằng, hơn trăm mạng người của gia đình buôn tơ lụa bị giết hại một cách dã man, người bị chém lìa đầu, người bị đâm thấu tim, lại có người bị đâm lòi bụng. Sau cơn giết người tàn bạo ấy, máu nhuộm đỏ cả đất, đứng cách xa mấy dặm đường vẫn còn ngửi thoang thoảng mùi máu tanh. Đám cướp cạn chém giết gần hết gia tộc nọ, nhưng nghe đâu còn sót lại người vợ đang mang bầu của ông chủ buôn tơ. Không ai có thể hiểu nổi làm thế nào mà một người đàn bà bụng mang dạ chửa lại có thể trốn thoát. Dân trong vùng suy đoán có thể thị đã lẩn trốn vào đám lau sậy um tùm, rồi ẩn nấp ở đó chờ đám cướp rút lui mới tìm đường đi trốn. Không ai biết người đàn bà bụng chửa đã đi đâu, cứ như thể thị đã tan biến khỏi mặt đất.
Từ sau vụ cướp đẫm máu ấy, danh tiếng của truông Nhà Hồ cứ như thế lớn dần, không còn ai dám qua lại nơi đó nữa. Phần vì sợ cướp, phần vì lời đồn đại những bóng ma màu trắng toát bay phất phơ qua lại trên ngọn cây, mặt nước vào những đêm mưa gió. Dân trong vùng bảo là đó là oan hồn của đại gia đình buôn tơ lụa bị bọn cướp giết ngày nào. Lúc bấy giờ có một vị quan Nội tán triều Nguyễn tên là Nguyễn Đăng Khoa, nổi tiếng thông minh, tài giỏi. Quan Nội tán biết được mối lo sợ của dân chúng, ông bèn tìm cách dẹp tan băng cướp lộng hành. Đêm hôm ấy trời tối như hũ nút, không có ánh trăng soi chiếu như mọi hôm, ông cho xe chở lúa và hàng hóa chạy qua truông. Trong xe, ông bố trí một người lính ngồi trong thùng xe rải lúa ra dọc đường. Nhờ có dấu lúa rải này mà quan Nội tán tìm được sào huyệt của bọn cướp, quan quân triều đình tràn vào bắt gọn. Bọn cướp tháo chạy, nhưng đa phần bị quân triều đình bắt giữ giải về kinh chịu tội. Băng cướp tan rã, cái họa truông Nhà Hồ cũng chẳng còn, từ đó dân chúng qua lại truông được yên bình.
Đám cướp tan rã, chỉ còn hơn chục người trong băng cướp chạy thoát thân. Đa phần chúng không phải là kẻ đầu sỏ, mà chỉ là những tên sai vặt trong băng đảng. Đám người ấy có già, có trẻ, có trai, có gái, họ chạy thoát nhờ chui vào giếng, trốn vào bụi cây um tùm nhằm trốn khỏi sự truy bắt của quan quân triều đình.
Sào huyệt để ẩn náu không còn, mọi thứ vũ khí, của cải cướp được đều bị thu giữ, hơn mười người còn sót lại quyết định di chuyển về phía Bắc – tức là Thăng Long thành ( Hà Nội ngày nay).
Không ai biết vì sao mà tàn tích của băng cướp có thể vượt quãng đường dài đằng đẵng từ Quảng Trị đến tận Thăng Long, chỉ biết rằng khi đám người đi đến kinh thành thì gần như kiệt sức. Dân trong thành thấy diện mạo của họ có phần lạ kỳ, quần áo rách rưới, cả người toát ra vẻ lạnh lẽo u ám như vừa từ dưới âm ty địa ngục chui lên bèn ra sức xua đuổi. Sống giữa chốn phố thị không được, họ đành di chuyển về một vùng đất hoang vu, quanh năm mây mù giăng phủ, cách Thăng Long gần trăm dặm.
Rặng núi nơi họ dừng chân gần như chẳng có bóng người, quanh năm thời tiết lạnh lẽo, sương mù giăng khắp nơi, thú dữ thường xuyên qua lại. Đám cướp quyết định dừng lại nơi đây làm nơi an cư lạc nghiệp, họ dựng nhà dựng cửa, dùng dao phạt bớt cây cối um tùm, lại đào một cái hố để hứng nước mưa để tìm kế sống qua ngày. Họ thành lập một ngôi làng nho nhỏ dù chỉ vỏn vẹn hơn chục nhân khẩu, sống quây quần với nhau để xa lánh người đời.
Bất cứ ngôi làng nào ở nước Việt cũng đều có tên, thế nhưng ngôi làng nhỏ đìu hiu nằm sâu trong rừng thì đến cái cổng làng cũng chẳng có, huống chi là đặt một cái tên đúng nghĩa. Để đến được ngôi làng này, người ta phải đi năm vạn bước chân và trèo năm mươi dốc núi. Con đường mòn từ cửa rừng đi đến gần ngôi làng dài khoảng năm km, càng vào sâu lối đi càng hẹp. Đi sâu vào rừng là đường lên núi, dốc núi dựng đứng, cứ khoảng vài trăm mét là đến một con dốc.
Ven đường đầy rẫy những cái cây cao vút, thân cây to đến nỗi người lớn ôm không xuể. Ai vô tình lạc vào đây mà không đánh dấu trên những thân cây thì cầm chắc bị lạc, rồi sẽ chết vì đói khát, thú rừng xơi tái, hoặc nguy hiểm hơn là chết bất đắc kì tử bởi những vong hồn, u linh nơi rừng thiêng nước độc.
Nơi đó tưởng chừng như chẳng có ai có thể sống được, ấy vậy mà hơn chục người của băng cướp vẫn sống, họ sinh con đẻ cái, dần dần thành một ngôi làng nhỏ sâu bên vực núi thăm thẳm. Mãi sau này người ta mới phát hiện ra ngôi làng lẩn khuất nơi núi rừng âm u, bèn gọi nơi đây bằng một cái tên kì dị: Làng Địa Ngục.
Làng Địa Ngục hiện lên bồng bềnh trong sương mù che phủ, tựa hồ như một ngôi làng bị bỏ hoang từ lâu lắm. Dân làng sống trên núi, ấy thế mà phong tục của làng lại tuân theo bản sắc của làng quê phong kiến Bắc Bộ. Người ta cũng đón tết cổ truyền vào ngày đầu năm, cũng dựng cây nêu vào ngày tết, cũng ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, và nhâm nhi chén rượu nồng.
Có người giải thích rằng, băng cướp khi xưa vốn có gốc gác từ làng An Biên ( Hải Phòng ngày nay), cho nên những người còn sót lại sinh hoạt theo dân xứ Bắc cũng không có gì lạ.
Cái Tết đối với người dân nước Việt từ cổ chí kim đã quan trọng, thế nhưng với người làng Địa Ngục lại càng ý nghĩa hơn bội phần. Bởi lẽ dịp giáp tết là thời điểm người trong làng ngồi quây quần với nhau, được tận hưởng bầu không khí hân hoan trong tiết trời lạnh lẽo. Chuỗi ngày quỷ dị kinh hoàng ở làng Địa Ngục cũng bắt đầu vào một ngày giáp tết lạnh đến cắt da cắt thịt như thế….
—
HỒI THỨ NHẤT: TÁO QUÂN BÁO MỘNG
Tết năm ấy dường như đến sớm, mới đầu tháng Chạp mà mấy cây hoa đào trước làng đã bắt đầu nở rộ. Ngôi làng kì thực không lớn lắm, từ con đường nhỏ đi vào là có thể nhìn thẳng đến cuối làng, nơi có những mái nhà tranh xiêu vẹo, làn khói nhà ai nấu nướng bốc lên nghi ngút.
Người dân trong làng vốn sống biệt lập với bên ngoài, mọi thứ đều do dân tự cung tự cấp. Đàn ông trong làng ngày ngày vào rừng đặt bẫy thú, đàn bà dệt vải, trồng trọt cây trái quanh nhà. Sương mù quanh năm giăng lối, khí trời lạnh lẽo lại vô tình biến nơi đây thuận lợi hơn trong việc trồng trái cây, rau củ. Đáng lẽ ra cuộc sống của người làng Địa Ngục cứ trôi qua trong yên bình như thế, nếu không có vụ án bí hiểm năm ấy.
Ông Thập làm trưởng làng tính ra cũng ngót nghét chục năm ròng. Triều đình vốn không biết đến sự tồn tại của làng Địa Ngục, thế nên bộ máy chính quyền quản lý của làng không phải là lý trưởng, cai lệ, hương tuần. Người có uy quyền lớn nhất đó chính là trưởng làng, nói cụ thể hơn thì là ông Thập. Sở dĩ ông có được cái chức trưởng làng là bởi ông là người duy nhất có thể mang hàng hóa của dân trong làng, băng rừng, trèo đèo lội suối đi xuống dưới xuôi để bán. Đổi lại ông cũng mua thuốc dưới xuôi để bán. Đổi lại ông cũng mua thuốc men, gạo muối đem về cho dân.
Việc ấy tưởng chừng như đơn giản, ấy thế mà nhiều người trong làng lại chẳng mấy ai thành công trót lọt. Người thì bị lạc đường, người thì bị rơi xuống hố mất hết hàng hóa, thậm chí có người bị rắn độc cắn chết ở dọc đường. Chỉ duy nhất có ông Thập làm giao thương trót lọt. Thời trước thì có cha ông, và ông bà nội ông có thể vượt dốc băng rừng. Ấy thế nhưng việc trao đổi hàng hóa diễn ra cũng hết sức ít ỏi. Một tháng chỉ có vài ngày họp chợ, xem ra thì cũng giống như chợ phiên của đồng bào miền ngược, chỉ có điều phiên chợ mà làng Địa Ngục cử người tham gia lại toàn người Kinh mà thôi. Phải đến thời ông Thập thì việc giao thương mới trở lên đều đặn hơn. Ấy là vì ông Thập có sức vóc, lại thông thạo nhiều loại tiếng địa phương, ông còn được bà nội dạy cho ít tiếng Tàu cho nên buôn bán trót lọt, tiền bạc cũng nhiều hơn hẳn.
Bản thân ông Thập cũng là người thật thà, uy tín. Nếu có thể giúp được ai cái gì, ông đều chẳng nề hà, thành ra dân trong làng ai nấy đều quý mến ông, họ đồng lòng tôn ông là trưởng làng, mọi việc trong làng từ ma chay, cưới hỏi đều do ông làm chủ.
Ông Thập có một người vợ tên là bà Lim, nhưng chẳng ai gọi tên thật của bà cả, người ta quen gọi tên vợ theo tên chồng thêm chữ thị đằng trước, tức là Thị Thập. Hai ông bà ăn ở với nhau hơn chục năm, cả hai quen biết nhau từ nhỏ, cũng được gọi là bạn thanh mai trúc mã. Gia đình ông Thập tuy không bề thế như lý trưởng, cường hào ở dưới xuôi, nhưng cũng gọi là có của ăn của để. Chỉ duy có một điều khiến ông Thập băn khoăn đó là ông bà vẫn chưa có người nối dõi. Ông lo lắng lắm, dù gì thì ông cũng ngót nghét bốn mươi tuổi rồi, vợ ông cũng chẳng còn trẻ trung gì nữa. Chính vì thế mà lần nào mang hàng xuống dưới xuôi, ông cũng đều đi xem bói. Thăng Long có thầy bói nào nổi tiếng ông cũng tìm đến cho bằng được. Người thì kêu ông phải làm lễ thật to để thầy giải hạn, kẻ khác lại bảo ông phải mang thật nhiều tiền đi công đức cho thầy mới mong , nếu mà là con trai thì càng tốt. Ai có mụn con nói gì ông Thập đều làm theo, thế nhưng chẳng có tiến triển gì. Vợ chồng ông Thập lấy làm rầu rĩ lắm.
Tháng Chạp năm ấy lạnh cắt da cắt thịt, mới đầu tháng ông Thập đã gánh hàng xuống dưới xuôi để đem bán. Gần tết rồi, thứ gì cũng đắt đỏ cả. Ông không mang theo rau củ nông sản như mọi lần nữa, mà lần này trong cái bao của ông toàn vải là vải. Ông Thập bày vải lên trên cái sạp nho nhỏ đan bằng mấy đọt tre còi cọc rồi ngồi ở đầu chợ, chẳng mấy chốc đã hết veo. Ông đương chuẩn bị đi về thì chợt thấy có một ông già bẩn thỉu lết lại gần xin ăn. Nhìn ông già ăn mày thật tội nghiệp, hai tay và gương mặt lở loét bốc mùi hôi thối, đôi chân cụt đến đầu gối, ông già lết lại đến gần ông Thập vừa thều thào vừa khóc:
“Con lạy ông! Ông làm ơn làm phúc bố thí cho con. Bốn ngày nay con chưa có gì vào bụng cả, con đói lắm ông ơi”
Ông Thập động lòng thương, ông cúi xuống gần cụ già hỏi thăm:
“Cụ gọi tôi là ông như thế tôi tổn thọ mất. Trời rét thế này mà cụ vẫn đi xin ăn sao?”
“Đói thì đầu gối phải bò thôi ông ơi. Con đi đến đâu người ta cũng xua đuổi.”
Ông già vừa nói, vừa kèm theo một tràng ho rũ rượi.
Ông Thập thở dài, ông lôi từ trong túi áo ra một ít tiền, lại lấy từ trong gùi ra cái bánh chưng đã lạnh ngắt. Ông dúi tất cả vào tay của ông cụ rồi nói:
“Tôi chỉ có từng này. Cụ cầm lấy, chắc cũng được vài bữa. Còn cái bánh chưng thì xin biếu cụ xơi. Cụ ăn đi.”
Ông cụ già run run cúi đầu cảm tạ ông Thập. Dường như ông cụ còn muốn nói thêm điều gì nữa, thế nhưng không thể cưỡng lại được sức hút của cái bánh trên tay, ông cụ bóc vội vàng lớp lá bọc bên ngoài rồi ăn nấy ăn để. Ông Thập lắc đầu, ông vác cái gùi lên lưng, rồi rảo bước về làng. Đi được mấy bước chân, ông Thập bất giác quay lại nhìn ông lão ăn mày nọ. Ông cụ ăn mày ngẩng đầu nhìn ông Thập, đôi mắt đục ngầu của ông cụ vằn lên những tia máu trông giống như mắt của loài thú dữ. Làn da xám ngoét của ông đầy những vết đồi mồi, cả người lão toát ra một mùi tanh khó tả. Ngửi thoáng qua thì thấy giống mùi tanh của cá, ngửi kỹ hơn thì đúng là mùi máu tanh nồng nặc. Trong một thoáng chốc, ông Thập thấy ông lão ăn mày giống như một con quỷ. Thế nhưng ông tặc lưỡi cho rằng mình nghĩ như thế là có tội với người ta, ông khoát tay chào ông cụ rồi bước đi.
Trời sẩm tối thì ông Thập cũng về gần đến làng. Nhiều khi chính bản thân ông cũng không hiểu, vì sao tổ tiên của dân làng – cũng chính là tàn dư của băng cướp năm nào lại chọn vùng núi hoang vu hẻo lánh, đầy tà ma này để làm chỗ dừng chân. Người dân xung quanh vùng ai cũng biết đến rặng núi heo hút, quanh năm sương phủ trắng như một lớp màn bằng bạc bao bọc. Mỗi khi trời tối, từng bầy đom đóm bay quanh làng càng khiến cho khung cảnh thêm phần rùng rợn. Đối với đám văn nhân nhã sĩ suốt ngày ngâm vịnh thơ vè, bầy đom đóm tựa như những ngôi sao trên mặt đất. Thế nhưng người làng Địa Ngục tin rằng, mỗi một con đom đóm đều chở trên lưng chúng những vong hồn chưa siêu thoát. Đom đóm càng nhiều chứng tỏ càng có nhiều vong hồn lảng vảng quanh đây. Người ta biết rõ tổ tiên của làng đã từng là một băng cướp khét tiếng, giết chóc vô số người vô tội. Nhất là vụ thảm án giết chết hơn trăm mạng người của gia đình tơ lụa năm nào.
Ai mà biết được rằng, liệu những vong hồn chết oan uổng của gia đình buôn tơ lụa ấy đã siêu thoát chưa? Hay là vẫn còn lẩn khuất ở đâu đó chờ đợi thời cơ giết hết con cháu của băng cướp năm nào để trả món nợ máu? Người làng Địa Ngục lớn lên với nỗi sợ lơ lửng trên đầu. Dù chẳng ai nói ra, nhưng cả làng đều cho rằng hàng trăm con đom đóm bay qua bay lại trong làng, bậu trên những bệ cửa xiêu vẹo, phát sáng lập lòe trong đêm tối chính là hàng trăm vong hồn đang chầu chực lấy mạng người làng Địa Ngục. Thói đời thật lạ, thứ gì không giải thích được thì người ta trốn tránh, trời vừa chập tối là người làng đóng chặt cửa, chỉ dám ở trong nhà, thậm chí còn không dám ló mặt trông ra ngoài cửa sổ, bởi họ sợ một con đom đóm nào sẽ đến và câu mất hồn vía của họ đi.
Thực hư thế nào thì chẳng ai rõ, chỉ nhớ rằng ngay từ bé ông Thập đã được bà nội ông dặn đi dặn lại:
“Không được ra khỏi nhà vào nửa đêm, cũng không được để cho đom đóm đậu lên người. Coi chừng …. coi chừng bị câu hồn đi mất.”
Nhắc đến bà nội ông Thập là nhắc đến một con người kì dị. Cụ bà vốn là con của cặp vợ chồng nấu bếp trong băng cướp, nói đúng hơn thì cha làm đầu bếp, mẹ làm thầy cúng. Người ta vẫn nói, phàm những kẻ càng làm việc ác lại càng mê tín. Bọn cướp giết chóc nhiều nên chúng có sẵn một bà đồng chuyên lo chuyện cúng giỗ, và nhất là trấn yểm cho những oan hồn đã bị chúng đoạt mạng. Người đó chính là mẹ của cụ bà. Ngày quan quân triều đình nhà Nguyễn quét sạch băng cướp trừ họa cho dân, cha mẹ cụ chỉ kịp cầm một con dao chọc tiết lợn phòng thân dẫn đứa con gái trốn dưới cái giếng cạn, sau đó phủ rơm rạ lên trên. Quan quân lục soát thấy không còn ai liền lục tục kéo nhau rời đi. Sau này gia đình họ tụ hợp cùng với gần chục người khác khác rồi mới tính đến chuyện di tản.
Những ngày rời truông Nhà Hồ phiêu bạt lại kinh thành, không ai rõ đám người ấy đã trải qua những gì, chỉ biết cả đoàn khi về đến Thăng Long thì tóc ai nấy đều bạc trắng. Người già lo lắng nhiều lại thêm lao lực bị bạc tóc đã đành, thế nhưng ngay cả người trẻ tuổi và mấy đứa nhỏ cũng bị bạc trắng tóc thì quả thật là một chuyện lạ đời. Chẳng trách vì sao dân trong kinh thành lại xem họ như quỷ vừa mới chui từ dưới địa ngục lên dương gian.
Bà nội của ông Thập khi lớn lên trở thành thiếu nữ, lấy chồng, sinh con rồi đến khi về già mái tóc cũng bạc trắng như vậy. Năm ông Thập mười tuổi thì cụ bà mất sau một trận ốm đột ngột. Ngày hôm ấy cũng là lần đầu tiên ông Thập băng rừng, vượt dốc xuống ngôi làng dưới chân núi chơi. Cả ngày ông lang thang ở khu chợ, ngắm đủ thứ đồ chơi quà bánh đầy màu sắc, lại bị cuốn vào xem trận chọi gà. Khi ông Thập giật mình nhớ ra phải về làng thì trời đã về chiều, mặt trời dần xuống núi. Trời tối khu rừng càng trở nên đáng sợ. Ông Thập rùng mình trước viễn cảnh phải băng rừng một mình trong đêm hôm, thế nhưng với một đứa trẻ vừa tròn mười tuổi thì nỗi sợ ấy chẳng là gì so với trận đòn roi của cha mẹ. Ông ba chân bốn cẳng chạy về ngọn núi, nhằm thẳng hướng con dốc ngoằn ngoèo. Trời mùa đông nên tối rất nhanh, ánh sáng leo lét của ánh nắng mặt trời không soi rọi được qua tầng tầng lớp lớp phiến lá âm u trong rừng. Ông Thập cầm chặt chiếc lồng đèn nhỏ xíu trong tay, bước thấp bước cao đi trên con đường nhỏ trơn tuột.
Màn đêm buông xuống, tiếng chim lợn vang vọng khắp rừng, kèm theo đó là tiếng lá cây xào xạc càng khiến cho khung cảnh trở nên rùng rợn. Ông bước từng bước nhỏ, ngọn lửa trong chiếc lồng đèn chẳng thể nào soi rọi được đường dưới chân, nhưng ít nhất thứ ánh sáng leo lét đó cũng làm ông vững dạ thêm mấy phần.
Đi được nửa đường, ông Thập nhìn thấy lác đác trong khoảng tối trước mặt có ánh sáng lập lòe của mấy con đom đóm. Ông mừng lắm, bụng bảo dạ
“Thế là sắp tới nhà mình rồi.”
Ông rảo bước nhanh hơn, bất chấp cái lạnh, cái đói, và khung cảnh rợn ngợp của khu rừng như muốn nuốt chửng lấy mình. Đúng lúc ấy, một cơn gió đem theo hơi nước lạnh buốt từ đâu thổi tới làm ngọn lửa trong lồng đèn tắt ngóm, xung quanh tối đen như mực, bầy đom đóm bay qua bay lại càng lúc càng nhiều hơn. Ông Thập run run sợ hãi, rón rén đi chầm chậm về phía trước. Tiếng chim lợn kêu dồn dập, tiếng gió thổi vù vù nghe như tiếng rít của con quái vật nào đó từ xa vọng lại.
Bỗng dưng, ông Thập nghe thấy tiếng ai đó gọi tên mình.
“Thập! Thập ơi!”
Ông quay ngoắt lại phía sau, thế nhưng không có ai ở đó.
Nghĩ là mình nghe lầm, ông Thập lại bước tiếp, tim đập thình thịch, mồ hôi túa ra như tắm, ướt đẫm vạt áo phía sau lưng.
Vừa đi được vài bước, tiếng gọi lại vang lên.
“Thập ơi! Thập…”
Điều quái dị là lần này tiếng gọi không phải giọng của một người đàn ông trầm trầm, mà là giọng của một đứa con nít nào đó. Vừa gọi dứt lời, đứa nhỏ cười khành khạch.
Ông Thập hoảng lắm, ông lấy hết can đảm bước thật nhanh về phía trước, trong đầu khấn vái Trời Phật. Cứ đi được vài bước chân, tiếng gọi tên ông lại liên hồi vang lên. Lúc thì là tiếng của một bà cụ già, có lúc lại là tiếng của một người phụ nữ, rồi nhiều khi tất cả tiếng gọi vang lên cùng một lúc, hòa lẫn với điệu cười khành khạch vang vọng giữa rừng đêm. Điều dị thường nhất là dù giọng nói là của đàn ông hay đàn bà thì đều văng vẳng như từ cõi âm ti vọng về.
Ông Thập thở dồn dập, chân bước đi như chạy. Trời tối, đường lại trơn, chỉ cần sơ sẩy một chút là ông ngã xuống vách núi bất cứ lúc nào. Ông một tay cầm chặt cái lồng đèn dù nó đã tắt ngóm, tay còn lại đặt trước ngực như thể tăng thêm phần can đảm cho chính mình. Giữa núi rừng hoang vắng, một đứa nhỏ mười tuổi mò mẫm đi trong đêm tối mịt mùng, xung quanh đầy rẫy những u hồn vất vưởng mà mắt thường chẳng thể nào nhìn thấy. Trời đổ mưa lâm thâm, những hạt mưa xuân như bụi bay tràn ngập cả không gian, dù đã được tán cây rừng che phủ ít nhiều nhưng mưa cứ thế bay lất phất. Cái lạnh, cái đói, và nhất là cảm giác sợ thót tim khiến cho ông Thập ngã gục xuống phía trước, giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống gò má. Đúng lúc ấy, ông nghe thấy một giọng nói quen thuộc.
Mời các bạn đọc cuốn sách Tết Ở Làng Địa Ngục của tác giả Thảo Trang