uốn sách “Tín Hiệu Và Độ Nhiễu” của Nate Silver là một tác phẩm đột phá, mang đến góc nhìn mới mẻ về khả năng dự đoán trong nhiều lĩnh vực, từ bóng chày, dự báo thời tiết đến bầu cử và cả trò chơi poker.
Tác giả đã thực hiện nghiên cứu sâu rộng và kiểm chứng các dự đoán trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Silver chỉ ra rằng phần lớn dự đoán đều thất bại và thường phải trả giá đắt bởi tính xác suất và thiếu chính xác của chúng. Bất kể là chuyên gia hay dân thường, chúng ta đều có xu hướng tự tin thái quá khi đưa ra dự đoán, và điều này chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại.
Tuy nhiên, “Tín Hiệu Và Độ Nhiễu” cũng cho thấy một nghịch lý trong việc dự đoán: Càng thận trọng trong việc đưa ra dự đoán, chúng ta càng có thể lên kế hoạch cho tương lai thành công hơn.
Cuốn sách cung cấp cho bạn:
- Khung tư duy mới về dự đoán: Hiểu được bản chất của dự đoán, sự phức tạp và những hạn chế của nó.
- Khả năng phân biệt tín hiệu chính xác trong bối cảnh nhiễu loạn: Sách hướng dẫn bạn cách đánh giá độ tin cậy của các dự đoán và đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên thông tin có sẵn.
- Bài học thực tế từ nhiều lĩnh vực: Tìm hiểu những ví dụ cụ thể về thành công và thất bại trong dự đoán, từ đó rút ra bài học cho bản thân.
“Tín Hiệu Và Độ Nhiễu” là một cuốn sách giá trị dành cho bất kỳ ai muốn nâng cao khả năng dự đoán và đưa ra quyết định tốt hơn trong cuộc sống. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Tín Hiệu và Độ Nhiễu của tác giả Nate Silver
Các cuốn sách khác có thể bạn sẽ thích
- Sách Trốn Lên Mái Nhà Để Khóc PDF
- Sách Không Diệt, Không Sinh, Đừng Sợ Hãi PDF
- Sách Thư Viện Nửa Đêm
—
Tổng quan về cuốn sách
Cuốn sách sẽ xen lẫn giữa các ví dụ được góp nhặt từ nhiều lĩnh vực như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thể thao và các trò chơi. Sách được xây dựng từ nhiều tình huống tương đối chân thực – nơi độc giả có thể dễ dàng phân biệt giữa các trường hợp thành công và thất bại – cho đến những ví dụ đòi hỏi sự cảm nhận tinh tế hơn một chút.
Từ chương 1 đến chương 3, tôi sẽ xem xét những dự báo thất bại xung quanh cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, những dự đoán thành công trong môn bóng chày, cũng như trong lĩnh vực dự báo chính trị – nơi một số phương pháp tỏ ra hiệu quả hơn số khác. Chúng sẽ gợi cho bạn một số câu hỏi cơ bản nhất nhằm khẳng định rõ hơn vấn đề trong việc dự báo. Chúng ta nên áp dụng cách đánh giá dữ liệu như thế nào để tránh sa vào thành kiến? Thời điểm nào cạnh tranh thị trường sẽ giúp dự báo tốt hơn – và thời điểm nào sẽ kém hơn? Chúng ta phải cân đối ra sao giữa nhu cầu sử dụng thông tin trong quá khứ như một dạng chỉ dẫn với ý thức rằng tương lai rồi sẽ đổi khác?
Chương 4 đến chương 7 tập trung vào các hệ thống ảnh hưởng như: hoạt động của bầu khí quyển Trái đất – yếu tố tạo nên thời tiết, sự dịch chuyển các mảng kiến tạo – nguyên nhân dẫn đến động đất, mạng lưới tương tác phức tạp giữa người với người – nguồn gốc của động thái nền kinh tế Mỹ, cùng sự lây lan các đại dịch truyền nhiễm. Những hệ thống trên đang là đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học xuất sắc nhất. Tuy nhiên, các hệ ảnh hưởng cũng khiến việc dự đoán trở nên khó khăn hơn và dự báo trong các lĩnh vực trên không phải bao giờ cũng đạt kết quả tốt.
Từ chương 8 đến chương 10, tôi sẽ chuyển sang phần giải pháp – mở đầu bằng việc giới thiệu một tay cá độ thể thao đã áp dụng định lý Bayes nhuần nhuyễn hơn nhiều nhà kinh tế hay các chuyên gia khác; và tiếp nối với phần đánh giá hai trò chơi: cờ vua và bài poker. Do tuân theo các quy tắc rõ ràng, thể thao và trò chơi sẽ trở thành những phòng thí nghiệm phù hợp giúp kiểm chứng khả năng dự báo của chúng ta. Chúng giúp ta hiểu rõ hơn tính ngẫu nhiên và không chắc chắn, cũng như khai thác sâu hơn phương pháp chắt lọc thông tin thành tri thức.
Tuy nhiên, định lý Bayes còn có thể áp dụng cho nhiều vấn đề to tát hơn. Từ chương 11 đến 13, tôi sẽ xem xét ba khía cạnh tiêu biểu: sự nóng lên toàn cầu, nạn khủng bố và bong bóng thị trường tài chính. Đó đều là những vấn đề “khó nhằn” đối với giới dự báo và toàn xã hội. Nếu chấp nhận thử thách, chúng ta có thể biến đất nước, nền kinh tế và hành tinh này thành nơi an toàn hơn.
Thế giới đã trải qua một hành trình dài kể từ ngày máy in được phát minh. Thông tin đã không còn là thứ hàng hóa khan hiếm bởi chúng ta đang nắm giữ nhiều thông tin hơn khả năng xử lý chúng. Nhưng chỉ có một số ít tương đối hữu dụng. Chúng ta phải tiếp nhận chúng một cách chọn lọc, có chủ đích và không quá bận tâm đến các hình thức xuyên tạc. Chúng ta chỉ muốn thông tin khi thật sự cần tri thức.
Tín hiệu chính là chân lý. Nhiễu loạn sẽ làm sao nhãng chân lý. Đây là cuốn sách viết về tín hiệu và sự nhiễu loạn.
—
CHƯƠNG 1. Thảm họa dự báo
Ngày 23 tháng 10 năm 2008, thị trường chứng khoán rơi tự do, lao dốc gần 30% so với 5 tuần trước đó. Các công ty lừng danh một thời như Lehman Brothers(4) đều đi đến phá sản. Các thị trường tín dụng bị tê liệt. Nhà đất tại Las Vegas sụt giảm đến 40% giá trị. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh chóng. Hàng tỉ đô-la được đổ vào các doanh nghiệp tài chính đang sa sút. Chỉ số lòng tin đối với chính phủ rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Trong khi chỉ 2 tuần nữa, cuộc bầu cử tổng thống sẽ được diễn ra.
Quốc hội – vốn vẫn luôn im ắng tận sát ngày bầu cử – bắt đầu nhộn nhịp hoạt động. Những gói cứu trợ mà họ đã thông qua chắc chắn sẽ chịu chỉ trích và họ cần gấp rút tạo động thái rằng những kẻ phạm pháp phải bị trừng trị. Ban Giám nghị Hạ viện đã cho triệu tập người đứng đầu thuộc ba cơ quan xếp hạng tín dụng – gồm Standard & Poor’s (S&P), Moody’s và Fitch Ratings(5)– nhằm lấy lời khai. Các cơ quan xếp hạng này vốn chịu trách nhiệm đánh giá khả năng vỡ nợ của hàng nghìn tỉ đô-la bảo lãnh. Và theo điều tra, có vẻ như họ đã lường gạt.
Lời dự báo tệ nhất từ kẻ kém cỏi
Ngày nay, cuộc khủng hoảng cuối những năm 2000 vẫn thường được quy cho sai lầm trong thể chế chính trị và tài chính của chúng ta. Quả thực, đó là một thất bại kinh tế trên diện rộng. Đến tận năm 2011 – 4 năm sau khi cuộc Đại Suy thoái chính thức mở màn – nền kinh tế Mỹ vẫn còn kém xa tiềm năng sản xuất 800 tỉ đô-la.
Tuy nhiên, tôi đoán chắc rằng cách nhìn nhận đúng đắn nhất đối với cuộc khủng hoảng tài chính chính là phải thừa nhận thất bại trong đánh giá – hay sai lầm khủng khiếp trong dự báo. Những dự báo thất bại này vô cùng phổ biến; chúng diễn ra trong hầu hết mọi giai đoạn từ trước, trong và sau cuộc khủng khoảng, đồng thời liên lụy đến tất cả, từ các tay môi giới thế chấp cho đến Nhà Trắng.
Những dự báo thất bại gây thiệt hại nặng nề nhất thường có nhiều điểm chung. Chúng ta chỉ tập trung vào những dấu hiệu phác họa toàn cảnh theo mong muốn của mình, chứ chưa thật sự nhìn vào bản chất. Chúng ta bỏ qua những rủi ro khó đo lường nhất, thậm chí khi chúng tỏ rõ là mối nguy lớn nhất đối với đời sống bản thân. Chúng ta đặt ra những con số ước chừng và giả định về một thế giới vốn dĩ luôn tàn nhẫn hơn tưởng tượng. Chúng ta căm ghét sự mơ hồ, dù đó là một phần tất yếu trong vấn đề ta đang giải quyết. Nếu muốn chạm đến điểm mấu chốt của cuộc khủng hoảng tài chính, chúng ta phải bắt đầu từ việc xác định thất bại dự báo ghê gớm nhất, một dự báo bao hàm toàn bộ những thiếu sót.
Như thường lệ, các cơ quan xếp hạng đã dành riêng mức đánh giá AAA cho số ít chính phủ có khả năng thanh toán cao và các doanh nghiệp hoạt động tốt nhất trên thế giới – được áp dụng với hàng nghìn cổ phiếu bảo lãnh và công cụ tài chính cho phép nhà đầu tư đặt cược vào khả năng vỡ nợ của người khác ngay tại nhà. Các thứ hạng do những công ty này công bố chẳng khác gì phép dự báo rằng: chúng đơn giản là ký hiệu ước lượng khả năng mà một khoản nợ không thể thanh toán hết. Chẳng hạn, S&P đã giải thích với nhà đầu tư rằng khi họ đánh giá một loại chứng khoán đặc biệt phức tạp như trái phiếu “nghĩa vụ nợ thế chấp”(6) ở mức AAA, đồng nghĩa chỉ có 0,12% (tương đương khoảng 1/850) khả năng loại chứng khoán này không thể thanh toán trong vòng 5 năm tới. Nó được cho là phương án an toàn tương đương trái phiếu doanh nghiệp hạng AAA, và an toàn hơn cả trái phiếu Ngân khố Hoa Kỳ – theo nhận định của S&P. Ngoài ra, các cơ quan xếp hạng sẽ không cho điểm các loại chứng khoán từ cao đến thấp.
Rốt cuộc, theo thống kê nội bộ của S&P, khoảng 28% các trái phiếu CDO đạt mức AAA đều đã vỡ nợ. (Một số tính toán độc lập thậm chí còn cho tỷ lệ cao hơn) Điều này cũng đồng nghĩa khả năng vỡ nợ thực tế của trái phiếu CDO cao gấp 200 lần so với S&P dự đoán.
Đây đích thực là thất bại toàn diện nhất trong lịch sử ngành dự báo: hàng nghìn tỉ đô-la vốn đầu tư từng được cam đoan chắc chắn an toàn, nay hóa ra đều bất ổn. Chẳng khác nào bản tin thời tiết dự báo một ngày nắng đẹp nhưng lại hóa thành một trận bão tuyết.
Khi đưa ra một dự báo không chính xác, bạn sẽ phải chọn cách lý giải nó. Một trong số đó là đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài – như chúng ta vẫn gọi là “thiếu may mắn”. Đôi khi đây là một lựa chọn hợp lý, thậm chí vô cùng chính xác. Khi Ban Thời tiết Quốc gia dự báo 90% trời quang, nhưng thực tế trời lại mưa và phá hỏng chuyến chơi golf của bạn, thật sự bạn không thể đổ lỗi cho họ. Theo dữ liệu thu thập từ nhiều thập kỷ trước đây, mỗi khi Ban Thời tiết thông báo rằng 10% trời sẽ mưa, thì thực tế là trời đã mưa trong 10% trường hợp suốt một thời gian dài.
Tuy nhiên, lời giải thích trên sẽ trở nên không đáng tin nếu người dự báo thiếu thông tin lịch sử về những lần dự báo chính xác, hoặc nếu tần suất mắc lỗi của anh ta quá nhiều. Trong trường hợp này, lỗi thường sẽ thuộc về cách người dự báo mô phỏng thế giới xung quanh anh ta, chứ không phải ở bản thân sự vật.
Quay lại câu chuyện về trái phiếu CDO, các cơ quan xếp hạng không có đánh giá cơ sở nào trong quá khứ: Đây đều là những trái phiếu mới và hết sức khác thường; đồng thời, tỷ lệ vỡ nợ do S&P công bố cũng không dựa trên dữ liệu lịch sử, mà chỉ là những giả thuyết căn cứ trên một mô hình thống kê sai lầm. Trong khi đó, mức độ nghiêm trọng của sai sót này lại quá khủng khiếp: Các trái phiếu CDO hạng AAA trên có khả năng vỡ nợ thực tế cao gấp 200 lần so với trên lý thuyết.
Hành động chuộc lỗi của các cơ quan xếp hạng lẽ ra phải là thừa nhận các mô hình vẫn còn thiếu sót và sai lầm thuộc về họ. Tuy nhiên, trong phiên điều trần trước Quốc hội, họ né tránh trách nhiệm và khẳng định mình đã thiếu may mắn. Họ đổ lỗi cho một biến cố bên ngoài, bong bóng nhà đất.
“Không chỉ riêng S&P bị bất ngờ vì sự sụt giá nghiêm trọng trên thị trường nhà đất và thế chấp,” Deven Sharma, người đứng đầu Standard & Poor’s đã phát biểu như vậy trước Quốc hội vào tháng 10 năm đó. “Hầu như không một ai, từ người sở hữu nhà, các tổ chức tài chính, cơ quan xếp hạng, giới hành pháp cho đến nhà đầu tư có thể lường trước những gì sắp xảy ra.”
Không ai nhận thấy nó sắp xảy ra. “Nếu bạn không thể chứng minh mình vô tội, hãy tỏ ra ngờ nghệch” thường là lời biện hộ đầu tiên khi xuất hiện một dự báo sai lầm. Tuy nhiên, xét trên những gì Quốc hội đã từng chứng kiến như: “Tôi không quan hệ tình dục với người phụ nữ đó” hay “Tôi không dùng chất kích thích”, thì tuyên bố của Sharma vẫn là dối trá.
Điều đáng chú ý ở bong bóng nhà đất chính là đã có những người nhận thấy nó sắp xảy ra – và một số đã cảnh báo từ trước. Robert Shiller, nhà kinh tế học tại Đại học Yale, đã sớm lưu ý về các nguồn cơn trong cuốn sách Tăng tưởng phi lý (xuất bản năm 2000). Tháng 8 năm 2002, Dean Baker, một học giả cay nghiệt tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, cũng đã viết về bong bóng này. Một phóng viên tại tạp chí Economist, người thường được biết đến với những bài báo nhàm chán, vô vị, cũng đánh giá đây là “bong bóng lớn nhất lịch sử” vào tháng 6 năm 2005. Đến tháng 8 cùng năm, Paul Krugman, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel, đã viết về bong bóng này và hậu quả không thể tránh khỏi của nó. Về sau, Krugman chia sẻ với tôi: “Nó đã manh nha từ trong hệ thống. Sự sụp đổ của thị trường nhà đất không phải một biến cố, mà đã hiển hiện rõ như ban ngày.”
Nhiều người Mỹ bình thường cũng tỏ ra lo lắng. Số lượng tra cứu cụm từ “bong bóng nhà đất” trên Google đã tăng gấp 10 lần từ tháng 1 năm 2004 đến mùa hè 2005. Lượng quan tâm nhiều nhất tập trung tại các bang như California, nơi từng chứng kiến giá nhà đất tăng kịch trần – và cũng là bang rớt giá thê thảm nhất thời điểm đó. Quả thực, chủ đề bàn tán về bong bóng này đã lan nhanh một cách khủng khiếp. Các tài liệu chứa từ khóa hai chữ “bong bóng nhà đất – housing bubble” đã tăng vọt từ 8 bản tin (năm 2001) lên 3.447 nguồn tham khảo (năm 2005). Nhiều tờ báo và tạp chí danh tiếng cũng nhắc đến bong bóng nhà đất những 10 lần mỗi ngày.
Thế nhưng, các cơ quan xếp hạng – với nhiệm vụ đánh giá rủi ro trên thị trường tài chính – chỉ đáp trả rằng họ đã bỏ qua nó. Điều đó chứng tỏ họ đã nghĩ rằng, “đây là lời biện hộ tốt nhất của mình”. Và vấn đề xảy ra với những dự báo của họ lại càng trầm trọng hơn.
“Tôi không nghĩ họ muốn dừng lại!”
Trong số các nhà kinh tế và nhà đầu tư mà tôi đã trao đổi về chương này, không ai có cái nhìn thiện cảm đối với các cơ quan xếp hạng. Nhưng họ vẫn không rõ việc xếp hạng kém như vậy phản ánh điều gì. Sự ngu dốt hay thói vụ lợi – liệu các cơ quan này có biết nhiều hơn không?
Có lẽ chỉ Jules Kroll mới xứng đáng đứng ra xem xét câu hỏi trên bởi ông đang đích thân điều hành một cơ quan xếp hạng. Được thành lập năm 2009, Kroll Bond Ratings đã đưa ra mức đánh giá đầu tiên – dành cho một khoản vay thế chấp các tòa nhà thuộc khu trung tâm mua sắm rộng lớn tại Arlington, Virginia – cùng thời điểm tôi gặp ông tại văn phòng New York năm 2011.
Kroll phê phán các cơ quan xếp hạng chủ yếu vì họ luôn thiếu sự “giám sát”. Đó quả là một khái niệm chua chát từ Kroll, người trước khi lấn sân sang lĩnh vực đánh giá đã từng có chút tiếng tăm (cùng khối tài sản không khiêm tốn chút nào) với công ty đầu tiên, Kroll Inc. – một cơ quan điều tra chuyên khám phá những trò lường gạt của doanh nghiệp.
Họ biết phải làm gì để phát hiện một âm mưu – như vụ những kẻ bắt cóc đã bắt một tỉ phú quỹ đầu tư mạo hiểm làm con tin, nhưng rồi tự khiến mình bị bại lộ vì dùng thẻ tín dụng của ông ta để thanh toán pizza. Khi tôi gặp Kroll, ông đã 69 tuổi, nhưng bản năng “đánh hơi” của ông vẫn lợi hại như xưa – và chúng lại được dịp thể hiện khi ông bắt đầu xem xét hành vi của các cơ quan xếp hạng.
“Giám sát là thuật ngữ chuyên môn trong giới đánh giá,” Kroll cho biết. “Đồng nghĩa anh phải đảm bảo nhà đầu tư luôn được thông tin về những gì anh đang chứng kiến. Mỗi tháng, anh sẽ thu được một ‘cuốn băng’(7) về các trường hợp như vỡ nợ thế chấp, thế chấp trả trước – và tập hợp được rất nhiều dữ liệu. Đó chính là lời cảnh báo trước (rằng mọi thứ sẽ tiến triển tốt hay xấu) và tất cả mọi người đều trông đợi anh công bố chúng.”
Nói cách khác, các cơ quan xếp hạng lẽ ra phải là những người đầu tiên phát hiện thấy vấn đề trên thị trường nhà đất. Họ sở hữu nguồn thông tin tốt hơn tất thảy: đó là dữ liệu mới nhất về hàng nghìn người vay đang tìm cách thanh toán đúng hạn. Nhưng đến năm 2007, họ đã bắt đầu xem thường hàng khối dữ liệu khổng lồ về chứng khoán bảo lãnh thế chấp – thời điểm vấn đề trở nên rõ ràng hơn và khả năng bị tịch thu tài sản cũng tăng gấp đôi.
“Những gã này không ngốc,” Kroll khẳng định. “Họ biết. Nhưng tôi không nghĩ họ muốn dừng lại.”
Kroll Bond Ratings là một trong mười tổ chức xếp hạng thống kê đạt chứng nhận quốc gia (hay “NRSRO – nationally recognized statistical rating organization”), gồm các doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch cấp phép nhằm đánh giá chứng khoán được bảo lãnh nợ. Moody’s, S&P và Fitch cũng là ba trong số đó và họ chiếm gần như toàn bộ thị phần. S&P và Moody’s từng đánh giá gần 97% trái phiếu CDO được phát hành trước khi khủng hoảng tài chính diễn ra.
Lý do giúp S&P và Moody’s xuất hiện áp đảo trên thị trường đơn giản vì từ lâu họ đã là “thành viên trong nhóm”. Họ là một phần của hệ thống độc quyền nhóm hợp pháp, giữa lúc chính phủ hạn chế đầu vào đối với nền công nghiệp. Bên cạnh đó, con dấu phê chuẩn của S&P và Moody’s cũng thường nhân danh các quy chế trong ngành và quỹ bồi thường – khoảng 2/3 các quỹ bồi thường này luôn yêu cầu S&P, hoặc Moody’s, hoặc cả hai đánh giá một khoản nợ trước khi quyết định mua lại nó.
S&P và Moody’s đã lợi dụng vị thế được chọn của họ hòng thu lợi bất thường, bất chấp việc chọn ra những hồ sơ từng bị Phố Wall loại bỏ(8). Từ năm 1997 đến 2007, lợi nhuận của Moody’s trên lĩnh vực xếp hạng tài chính thỏa thuận đã tăng hơn 800% và dần đại diện cho phần lớn hoạt động xếp hạng của họ trong những năm bong bóng tồn tại. Các dịch vụ này đã giúp Moody’s trở thành công ty thuộc danh sách S&P, đạt lợi nhuận biên cao nhất trong suốt 5 năm liền diễn ra bong bóng nhà đất. (Thậm chí vào năm 2010, khi bong bóng vỡ và vấn nạn của các cơ quan xếp hạng bị vạch trần, Moody’s vẫn đạt lợi nhuận 25%.)
Với nguồn lợi nhuận lớn bị kìm hãm quá lâu giữa lúc các trái phiếu CDO liên tục được phát hành, trong khi các nhà đầu tư vô phương thẩm định độ chính xác của thứ hạng trước khi quá muộn, những cơ quan này đã không còn động lực cạnh tranh dựa trên chất lượng. Raymond McDaniel, CEO của Moody’s, đã tuyên bố dứt khoát với ban lãnh đạo rằng: “Chất lượng đánh giá là yếu tố ít quan trọng nhất giúp công ty thu về lợi nhuận.”
Thay vì thế, công thức của họ rất đơn giản. Các cơ quan xếp hạng được nhà phát hành trái phiếu CDO trả tiền cho mỗi lần đánh giá; càng nhiều trái phiếu, càng nhiều lợi nhuận. Và họ gần như có thể tạo ra số lượng trái phiếu CDO vô cùng tận bằng cách kết hợp nhiều loại thế chấp khác nhau – hoặc kết hợp hai loại CDO khác nhau thành chứng khoán phái sinh dành cho cổ phiếu khác, nếu thấy nhàm chán. Hiếm khi nào các cơ quan xếp hạng từ chối cơ hội đánh giá một trái phiếu. Sau này, một cuộc điều tra của chính phủ đã phanh phui giao dịch qua tin nhắn nhanh giữa hai quan chức cao cấp thuộc Moody’s, trong đó một người đã tuyên bố rằng chứng khoán này “có thể thỏa thuận bằng tiền” và Moody’s sẽ đánh giá nó. Trong một số trường hợp, các cơ quan này thậm chí còn đi xa hơn khi xúi giục các nhà phát hành nợ thao túng thứ hạng. Trong một động thái được cho là chấp thuận minh bạch, S&P đã cung cấp cho các nhà phát hành bản sao phần mềm xếp hạng của họ. Nhờ thế, nhà phát hành có thể xác định chính xác cần bổ sung bao nhiêu khoản thế chấp xấu vào quỹ chung mà không làm giảm thứ hạng.
Do đó, khả năng xảy ra bong bóng nhà đất và khả năng bong bóng vỡ chính là hiện thân của nguy cơ đối với con ngỗng vàng của các cơ quan xếp hạng. Con người chúng ta sở hữu một khả năng phi thường: đó là phớt lờ những nguy cơ đe dọa đến sinh kế của họ, dù nó sẽ khiến họ phải trả giá. Như vậy, nhiều khả năng tuyên bố của Deven Sharma không hẳn là bất hợp lý – có lẽ các cơ quan xếp hạng đã thật sự bỏ qua bong bóng nhà đất, dù những người khác không giống như họ.
Tuy nhiên, các cơ quan trên quả thực đã xem xét kỹ lưỡng khả năng xảy ra bong bóng nhà đất. Họ đã bất ngờ kết luận rằng chuyện này chẳng có gì to tát. Catherine Mathis, phát ngôn viên của S&P, đã cung cấp cho tôi một bản ghi nhớ, trong đó nêu chi tiết S&P đã tiến hành mô phỏng vụ việc vào năm 2005 và tiên đoán được giá nhà đất trong nước sẽ giảm 20% trong vòng 2 năm – không quá chênh lệch so với mức sụt giá nhà đất thực tế 30% từ năm 2006 đến năm 2008. Bản ghi nhớ cũng khẳng định rằng các mô hình hiện tại của S&P “sẽ bắt kịp rủi ro suy thoái” một cách thỏa đáng và các cổ phiếu xếp hạng cao của họ sẽ “dè chừng cuộc suy thoái nhà đất mà không gây thiệt hại đến xếp hạng tín dụng”.
Vấn đề thậm chí sẽ còn rắc rối hơn nếu các cơ quan xếp hạng hoàn toàn bỏ qua bong bóng nhà đất. Trong cuốn sách này, tôi sẽ bàn về sự nguy hiểm của những điều “mãi không thể nhận ra” – hay những rủi ro chúng ta không ý thức được. Có lẽ mối đe dọa duy nhất vượt trên những rủi ro này chính là việc chúng ta nghĩ rằng có thể khống chế chúng, nhưng sự thật thì không(9). Trong trường hợp này, chúng ta không chỉ tự dối lòng, mà sự tự tin lầm lạc đó còn có thể lan sang kẻ khác. Riêng đối với các cơ quan xếp hạng, vấn nạn nói trên sẽ lây nhiễm cho toàn bộ hệ thống tài chính. Trong cuốn Cẩm nang chu du Ngân hà của Hitchhiker, Douglas Adams đã viết: “Điểm khác biệt lớn nhất giữa điều có thể sai và điều không thể sai chính là khi điều không thể sai hóa ra lại sai, nó thường sẽ trở thành lỗi lầm không thể sửa chữa.”
Nhưng làm thế nào các mô hình của cơ quan xếp hạng vốn bao gồm mọi thuật dự đoán mang tính khoa học, lại diễn giải thực tế theo cách kém cỏi đến như vậy?
Các cơ quan xếp hạng sai lầm ra sao?
Chúng ta phải đào sâu hơn một chút nếu muốn tìm ra gốc rễ của vấn đề. Đáp án sẽ đòi hỏi một chút thông tin chi tiết về phương thức cấu trúc của các công cụ tài chính như trái phiếu CDO, cùng một chút hiểu biết về sự khác biệt giữa rủi ro và điều chưa chắc chắn.
Trái phiếu CDO là một tập hợp các khoản nợ thế chấp được phân thành nhiều quỹ chung khác nhau (hay nhiều “khoanh”), trong đó, một số được cho là khá rủi ro và số khác được đánh giá gần như an toàn. Anil Kashyap, bạn tôi, giảng viên môn khủng hoảng tài chính tại Đại học Chicago, đưa ra một ví dụ đơn giản hóa về CDO và tôi sẽ áp dụng phiên bản đó ngay tại đây.
Hãy hình dung bạn đang có trong tay 5 khoản thế chấp và giả định mỗi khoản có 5% khả năng sẽ vỡ nợ. Bạn có thể đặt ra một số phép cược về tình trạng của các khoản thế chấp trên, khi độ rủi ro của mỗi khoản dần tăng lên.
Phép cược an toàn nhất – tôi gọi đó là Quỹ chung Alpha – sẽ luôn sạch nợ, trừ khi cả 5 khoản thế chấp đều vỡ nợ. Trong khi đó, phép cược rủi ro nhất – Quỹ chung Epsilon – sẽ khiến bạn điêu đứng nếu chỉ 1 trong 5 khoản vỡ nợ. Đến đây, chúng ta sẽ chuyển sang bước kế tiếp.
Vì sao nhà đầu tư lại thích đặt cược vào vào Quỹ chung Epsilon hơn Quỹ chung Alpha? Rất đơn giản – vì đặt cược vào rủi ro cao hơn bao giờ cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, giả sử bạn là nhà đầu tư ngại rủi ro – như một quỹ bồi thường chẳng hạn – và quy chế ngành cũng không cho phép bạn đầu tư vào chứng khoán thứ hạng thấp. Nếu bạn quyết định đầu tư, thì đó sẽ là Quỹ chung Alpha, với thứ hạng AAA vững chắc.
Quỹ chung Alpha bao gồm 5 khoản thế chấp, mỗi khoản chỉ có 5% khả năng vỡ nợ. Bạn chỉ thua cược khi cả 5 khoản thực tế đều vỡ nợ. Vậy rủi ro sẽ xảy ra thế nào?
Thực chất, đây không phải câu hỏi đơn giản – vì bản thân nó đã xuất hiện vấn đề. Các giả thuyết và ước đoán bạn chọn sẽ dẫn đến những đáp án vô cùng khác biệt. Nếu giả định sai, mô hình của bạn có thể đi chệch hướng rất xa.
Một giả thuyết cho rằng mỗi khoản thế chấp đều độc lập với nhau. Theo kịch bản này, rủi ro của bạn sẽ được phân tán. Chẳng hạn, nếu một thợ mộc tại Cleveland vỡ nợ vì thế chấp, điều đó sẽ chẳng can hệ gì đến một nha sĩ tại Denver. Nói cách khác, khả năng bạn thua cược sẽ cực kỳ thấp – tương đương với đổ xúc xắc được “nhất-nhất” (hai mặt 1 điểm) 5 lần liên tiếp. Đặc biệt, khả năng này sẽ ngang với 5% lũy thừa 5, đồng nghĩa nó chỉ xảy ra một lần trong 3,2 triệu trường hợp. Phương pháp đa dạng hóa được xem là kỳ diệu này chính là cách các cơ quan xếp hạng áp dụng nhằm khẳng định các khoản thế chấp dưới chuẩn với thứ hạng trung bình B+ (thường để ám chỉ chứng khoán có khả năng vỡ nợ trên 20%) gần như không có khả năng vỡ nợ khi được nhóm chung lại với nhau.
Thái cực còn lại chính là giả định rằng các khoản thế chấp trên đều sẽ có biểu hiện giống hệt nhau, chứ không hoàn toàn độc lập. Như vậy, cả 5 khoản hoặc sẽ vỡ nợ cùng lúc, hoặc không. Thay vì ném xúc xắc thành 5 lượt, lúc này, bạn sẽ đặt cược vào một lượt ném duy nhất. Sẽ có 5% khả năng bạn ném được nhất-nhất và toàn bộ các khoản thế chấp đều sẽ vỡ nợ – đồng nghĩa phép cược của bạn sẽ rủi ro gấp 160 nghìn lần so với kịch bản ban đầu.
Giả thuyết nào trong số các kịch bản trên có tính xác thực cao hơn sẽ còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Nếu tình hình kinh tế và thị trường nhà đất ổn định, kịch bản thứ nhất – cả 5 khoản thế chấp đều không ảnh hưởng đến nhau – sẽ là ước đoán hợp lý hơn. Các trường hợp vỡ nợ sẽ xảy ra hết lần này đến lần khác khi xúc xắc dừng ở các con số xui rủi. Ai đó có thể bị đánh gục bởi một hóa đơn y tế khổng lồ, hoặc họ sẽ mất việc. Tuy nhiên, nguy cơ vỡ nợ của một cá nhân sẽ không mấy ảnh hưởng đến kẻ khác.
Hãy giả sử một yếu tố chung nào đó sẽ xuất hiện và kết nối số phận của những người sở hữu nhà với nhau. Chẳng hạn, có một bong bóng nhà đất khá lớn xuất hiện và khiến giá nhà tăng mạnh 80%, trong khi không có động thái cải thiện rõ rệt nào về cơ bản. Lúc này, bạn đã gặp rắc rối. Nếu một người vay vỡ nợ, số còn lại cũng sẽ chịu chung số phận. Đồng thời, nguy cơ thua cược của bạn sẽ tăng lên theo cấp số nhân.
Kịch bản thứ hai bắt đầu diễn ra tại nước Mỹ vào năm 2007 (chúng tôi sẽ tiến hành một phân tích ngắn về bong bóng nhà đất trong phần sau của chương này). Nhưng đó là do các cơ quan xếp hạng đã giả định từ trước rằng các xác suất rủi ro hầu như không ảnh hưởng đến nhau. Tuy những vấn đề liên quan đến giả thuyết này đã được lý giải trong các tài liệu học thuật, cũng như qua tiết lộ của những người làm việc tại các cơ quan xếp hạng từ rất lâu trước khi bong bóng vỡ, nhưng nỗ lực xử lý của các cơ quan trước tình hình trên vẫn không đáng kể.
Đơn cử, Moody’s đã thông qua một tiến trình điều chỉnh bất thường đối với mô hình của họ, qua đó đã nâng xác suất vỡ nợ áp dụng cho chứng khoán hạng AAA thêm 50%. Có vẻ như đó là một động thái khôn ngoan. Chắc chắn một tấm chêm 50% sẽ đủ sức nện phẳng bất kỳ chỗ trũng nào trong giả thiết của một ai đó, phải thế không?
Nếu khả năng sai sót trong dự báo của họ chỉ tịnh tiến theo cấp số cộng, thì mọi thứ có lẽ vẫn ổn. Thế nhưng các đòn bẩy – hay những khoản đầu tư huy động từ nợ – có thể khiến sai sót dự báo nhân lên gấp bội, đồng thời phát sinh nguy cơ sai phạm với quy mô lớn và khó lường hơn rất nhiều. Mức điều chỉnh 50% của Moody’s lúc này chỉ như một lớp kem chống nắng, trong khi họ tuyên bố sẽ bảo vệ bạn khỏi một vụ rò rỉ hạt nhân – nói cách khác, cách giải quyết trên hoàn toàn không tương xứng với quy mô vấn đề. Xác suất ước đoán của họ không chỉ thấp hơn nguy cơ vỡ nợ 50% mà có lẽ họ đã đánh giá thấp nó đến 500% hay 5.000%. Trên thực tế, tình trạng vỡ nợ hóa ra đã nghiêm trọng hơn tuyên bố của các cơ quan xếp hạng 200 lần, đồng nghĩa với việc mô hình của họ đã đạt sai số 20.000%.