Cuốn sách “Vùng đất quỷ tha ma bắt” của tác giả Kevin Chen dày 413 trang, gồm 45 chương, đưa người đọc đến với vùng quê Vĩnh Tĩnh (Đài Loan) và câu chuyện về gia đình bảy anh chị em nhà họ Trần cùng những ẩn ức tâm lý của mỗi người.
Nhân vật chính là Trần Thiên Hoành, người con trai út. Sau khi mãn hạn tù vì tội giết bạn đời đồng tính ở Đức, Thiên Hoành trở về quê cũ để tang cha. Hơn chục năm trước, vì mâu thuẫn với mẹ và công khai là người đồng tính, anh đã rời gia đình và “vùng đất quỷ tha ma bắt” Vĩnh Tĩnh để sang Đức sinh sống và bắt đầu sự nghiệp văn chương.
Tác giả gọi quê nhà là “quỷ tha ma bắt” để miêu tả sự hoang vắng, xa xôi so với đô thị văn minh. Trong bối cảnh kinh tế Đài Loan phát triển mạnh mẽ, Vĩnh Tĩnh bị bỏ lại phía sau, “hàng loạt nhân khẩu nông thôn chuyển ra bên ngoài, lớp trẻ rời quê rồi không trở về nữa, quên luôn địa danh này, bỏ lại thế hệ già yếu không rời đi được”. Trong tiếng Hoa, tên gọi “vĩnh tĩnh” của quê nhà vốn là lời cầu chúc, nhưng theo Thiên Hoành, đó là lời nguyền vì anh có cảm giác nơi đây yên lặng đến đáng sợ.
Yếu tố văn hóa bản địa đóng vai trò then chốt trong tác phẩm. Vĩnh Hoành sinh ra ở vùng quê nghèo với vô vàn tập tục, lễ nghi mê tín dị đoan. Để nhấn mạnh những hủ tục và xây dựng không khí ma mị, hư ảo, mạch truyện chính diễn ra trong vòng 24 giờ, vào ngày rằm tháng Bảy – thời điểm mở cổng địa ngục, các linh hồn có cơ hội trở lại dương gian, và cũng là lúc các con về để tang cha. Theo phong tục, đây là dịp có nhiều câu chuyện, truyền thuyết kinh dị và những kiêng kị xoay quanh.
Cuốn sách đã đạt 2 giải thưởng văn học danh giá của Đài Loan gồm giải Kim Điền (thuộc Viện Văn học quốc gia) và giải Kim Đỉnh (thuộc Bộ Văn hóa) vào năm 2020
Bằng bút pháp miêu tả sinh động, Kevin Chen dành nhiều thời lượng để kể về những hủ tục nhất định phải làm vào ngày rằm tháng Bảy. Qua đó, tác giả hé lộ sự thật đằng sau những điều bí ẩn, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Mời các bạn đón đọc Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt của tác giả Kevin Chen
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
—-
Cuốn sách như 1 củ hành tây, càng bóc, càng biết thêm chút sự thật, lại càng đau và không ngừng rơi nước mắt. Suốt quá trình đọc, ruột mình quặn thắt, tim bị bóp nghẹn, hơi thở không ổn định, cảm xúc dồn nén đến mức khóc cũng chưa thể giải tỏa hết. Nhiều khi mình ngưng đọc, cứ ngẩn ngơ ra, không biết phải làm sao với mớ hỗn độn trong đầu.
Mạch truyện chính chỉ diễn ra trong 24 giờ ngày rằm tháng 7 cúng cô hồn. Sau khi được mãn hạn tù ở Đức, nhân vật chính – Trần Thiên Hoành, về thăm quê. Tác giả khéo léo lật về quá khứ, lần lượt thay đổi ngôi kể, dần dần vạch trần hết những bi kịch, những bất công qua nhiều thế hệ.
Dù bối cảnh là một làng quê nghèo miền Trung đảo Đài Loan, mình thấy thấp thoáng đâu đó làng quê Việt Nam, những nơi tập tục, nghi lễ, bói toán, lễ bái hằn sâu trong đầu mỗi người dân. “càng là năm thiếu thốn, bàn cúng ngược lại càng thịnh soạn”, “bữa tiệc thịnh soạn thết đãi những vong hồn xa lạ, còn mình lại thành con ma đói”. Không chỉ tư tưởng mê tín dị đoan, thái độ trọng nam khinh nữ tạo ra bi kịch cho phần lớn những con người nơi đây, biến họ thành những bóng ma dật dờ. Thế hệ của Thiên Hoành, ai cũng muốn thoát ly khỏi vùng đất quỷ tha ma bắt này, nếu được thì không xóa bỏ hết cội nguồn, khoác lên một bộ dạng của người thành phố. Để rồi, những bất hạnh vẫn đeo bám họ, ghìm họ lại, bắt họ quay về, tụ họp lại nhau trong một ngày “xá tội vong nhân”.
Nhiều người đọc tựa đề và phần giới thiệu, tưởng cuốn sách thuộc thể loại kinh dị. Không, gu của mình không phải kinh dị. Gu của mình là “ma không đáng sợ, con người mới tàn nhẫn nhất”. Con người là loài độc ác nhất, và luôn tìm cách biện minh cho những hành động nhẫn tâm của mình. Họ hãm hại, dày vò nhau, nguyền rủa, phá hoại nhau. Bi kịch của các chị, của bà, của mẹ là sinh ra trong thân phận phụ nữ, bi kịch của Thiên Hoành còn khủng khiếp hơn, hình hài nam giới không che giấu được xu hướng tính dục. Những nỗi bất hạnh chồng chất này làm mình ghê tởm con người, hơn bất kỳ loài quỷ ma nào.
Văn của Kevin Chen quá đẹp, nó hội tụ tất cả các biện pháp nghệ thuật như so sánh, đối lập, ẩn dụ, hoán dụ… Với người yêu văn chương và thích phân tích văn học như mình, những muốn highlight, underline toàn trang sách. Thậm chí, có những đoạn miêu tả hơi ghê rợn, kinh dị, nhưng mình vẫn cảm nhận được cái đẹp trong ngôn từ. Cách viết Kevin Chen sử dụng vừa cảm xúc lại vừa kỹ thuật, cấu trúc câu, đoạn, chương đều tốt, đặc biệt là kỹ năng kể chuyện. Quyển sách như 1 bộ ghép hình 1000 mảnh, chờ độc giả ghép lại, tác giả tinh tế giấu từng mảnh xiu xíu trong góc nhìn mỗi nhân vật. Đặc biệt, mọi chi tiết đều có ý đồ, không hề thừa thãi, góp phần xây dựng nhân vật hiệu quả.
Mình thực sự thích tư duy viết sách của Kevin Chen, trong một bài phỏng vấn với Zing, anh chia sẻ “Sự thật là tôi chỉ muốn kể một câu chuyện hay. Tôi luôn cố thiết lập một mối liên hệ với chính ngòi bút của mình. Tôi cố không rao giảng đạo lý hay cố truyền tải một thông điệp vĩ mô nào. Tôi muốn khuyến khích độc giả tự chìm đắm vào con chữ và diễn giải câu chuyện theo cách riêng của họ. Đó vừa là vùng đất quỷ tha ma bắt của tôi, vừa là của mọi bạn đọc.” – đây thực sự là thứ văn chương mình yêu thích và luôn tìm kiếm.
Mình hơi liên tưởng đến Ocean Vương trong cuốn sách này dù 2 style hoàn toàn khác biệt. 1 vài điểm tương đồng: tác giả đồng tính, nhân vật chính đồng tính, lấy hình tượng bản thân, gia đình và quê hương để viết bán tự truyện, và ngôn từ đẹp… Thiên Hoành cố thoát ly khỏi làng Vĩnh Tĩnh, Kevin Chen cũng vậy, anh vẫn phải trở về và đối mặt với cuốn tiết thuyết “Vùng Đất Quỷ Tha Ma Bắt” này. Cá nhân mình, cuốn sách này thậm chí tạo nhiều cảm xúc hơn cả “Một Thoáng Ta Rực Rỡ Ở Nhân Gian”.
Thực sự với mình, cuốn sách này không hoàn hảo, cái kết của nó quá điện ảnh, chóng vánh, nhằm đóng gói câu chuyện một cách vội vàng. Cả cuốn sách, tác giả không ngại tease trước chi tiết, như “gã đã giết T” ngày từ chương 1, nhưng giết ra sao, tại sao giết, sau đó thế nào… thì phải đọc đến gần cuối. Mình thích cách câu chuyện được hé mở dần, thể hiện sự bình tĩnh và bản lĩnh của người kể chuyện. Đùng một cái, kết thúc rất bất ngờ, độc giả vừa không theo kịp, lại vừa không thỏa mãn. Mình nghĩ điều này không cần thiết, tác giả đã lạm dụng kỹ thuật viết trong 2 trang cuối.
Tuy vậy, với tất cả trải nghiệm mà cuốn sách này đem lại, văn hay, cốt truyện tốt, cảm xúc đỉnh điểm, mình sẽ cho nó 5 sao, và lọt vào danh sách best books năm 2023.
—
Cuốn sách “Vùng đất quỷ tha ma bắt” sử dụng góc nhìn đa chiều và đánh giá cao lời kể của từng nhân vật để xây dựng câu chuyện. Qua mỗi chương, người đọc được tiết lộ một ít thông tin, tạo ra sự kích thích và khích lệ để tiếp tục đọc những chương tiếp theo và khám phá những mảng ký ức ẩn sau đó.
Lời thoại của nhân vật rất đặc biệt, tự nhiên và không giới hạn theo mục đích cụ thể. Điều này làm cho câu chuyện ở Vĩnh Tĩnh trở nên gần gũi hơn với người đọc, vì nó phản ánh những câu nói hàng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Kết hợp với các tình tiết và hành động, các chi tiết này thể hiện tính cách độc đáo của từng nhân vật. Tất cả các yếu tố này tạo thành một câu chuyện dễ đọc, tinh tế và tự nhiên, mặc dù có nhiều plot twist nhưng vẫn rõ ràng và dễ hiểu khi câu chuyện được tổng kết.
Đây thực sự là một tác phẩm hay, mỗi nhân vật là một câu chuyện riêng biệt và khi đọc, chúng ta nhận ra rằng cuộc sống thực tế cũng đầy những câu chuyện tương tự. Một số chi tiết hư cấu được sử dụng để tăng tính kịch tính cho câu chuyện, nhưng ngôn từ của Kevin Chen không chỉ gợn sóng nhân vật mà còn đau đớn đọc giả. Cái đau này thấm vào những người trong gia đình Trần và cảm xúc đó cũng lan tỏa đến người đọc thông qua các từ ngữ.
—–
Người chết không phải không biết lên tiếng, người chết trong Vùng đất quỷ tha ma bắt lại là người nắm giữ những ẩn khuất khó lý giải. Sự kết hợp giữa giọng tự sự của hồn mà, cùng diễn biến đời thường của bảy anh chị em trong gia đình họ Trần đã cấu thành một cuốn sách không đơn thuần là kể ra câu chuyện đậm chất tâm lý xã hội. Huyền ảo, sắc sảo, dữ dội và tàn khốc là những yếu tố mà không phải bất cứ người cầm bút nào cũng thể hiện thành công.
The New York Times đã nhận xét tác phẩm này như sau: “Án mạng, tấn kịch, gia đình và lịch sử Đài Loan, tất cả trong một.” Kevin Chen không chỉ thành công xây dựng hình ảnh, tính cách và cuộc đời rõ ràng cho rất nhiều nhân vật, có cùng huyết thống, có khác huyết thống, sống cùng một nơi chốn, và khác nơi chốn. Tất thảy đều được tác giả dung hoà, giống như phong cách viết liên tục thay đổi. Từ hiện thực, huyền ảo, hài kịch đen và cả bi kịch ẩn giật gân,… Đọc Vùng đất quỷ tha ma bắt không đòi hỏi sự suy luận cầu kỳ, phức tạp để phá giải dù những vụ án mạng còn nhiều ẩn khuất. Càng không cần bàn tay sáng tạo của nghệ sĩ tài hoa mới phác hoạ được những phận đời hội đủ các yếu tố đáng thương, đáng buồn và đáng yêu.
Mở đầu bằng chuyến tìm về Vĩnh Tĩnh của Trần Thiên Hoành, kết thúc cũng bằng chuyến tìm về của một người phụ nữ có đầy những năm tháng gập ghềnh, nhọc nhằn với biết bao khổ tâm. Vùng đất quỷ tha ma bắt dù vậy có biến hoá hoang tàn, có vắng lặng và nóng bức, vẫn là quê hương nhỏ trong lòng những đứa con nhà họ Trần, kể cả khi muốn rời đi hay ở lại. Không có phương diện nào là tuyệt đối, giống như người nhà họ Trần khi cần có thể cãi nhau không ngớt lời, song cũng làm rất tốt chuyện ngậm miệng.