Review: Lũ trẻ đường tàu – Edith Nesbit

Tác giả:
Nguồn: Nguyễn Thành Tín


Ấy thế là một mùa Giáng Sinh nữa lại sắp đến, không biết rằng quý bạn đọc đã có những dự định gì cho gia đình và cho riêng mình chưa? Nếu chưa thì xin quý bạn đọc nán lại ít phút để cùng tôi điểm qua một cuốn sách vừa mới được ra lò ít tuần trước của dịch giả Dạ Thảo nhé!

Mùa Giáng Sinh là mùa của hội ngộ, từ những cuộc hội ngộ với những người thân trong gia đình cho đến những cuộc gặp mặt dành cho những người bạn. Giáng Sinh đa số lại rơi vào các quốc gia có tiết trời từ se lạnh cho đến tuyết rơi. Bởi thế, thật là tuyệt vời nếu chúng ta có thể tìm được một hơi ấm cho thân xác và càng tuyệt vời hơn nếu đó là hơi ấm dành cho những cung lòng đang “lạnh ngắt”. Chẳng đâu xa, đó chính là thứ tình thân tuyệt vời trong cuốn tiểu thuyết ngắn “Lũ trẻ đường tàu” của nữ nhà văn người Anh Edith Nesbit.

Nói sơ qua thì đây là một cuốn tiểu thuyết được phát triển từ góc nhìn theo ngôi thứ ba đầy trung thực của nhà văn (hoặc đó có thể là từ sự tường thuật của người mẹ cũng nên; vì sao tôi nói thế, xin đọc hết câu truyện sẽ rõ) kể về một gia đình nhỏ trong đó gồm cha, mẹ và ba đứa nhóc lần lượt tên là Roberta (tên mẹ yêu thường gọi là Bobbie – chị cả), Peter (em trai giữa) và Phyllis (em gái út). Câu truyện xoay quanh cuộc sống thường ngày, cuộc sống trong những ngày “giông bão” và những cuộc phiêu lưu đầy lý thú của ba đứa nhóc nhà này bằng một giọng văn vui tươi và trong sáng phù hợp với ngay cả độ tuổi là trẻ em.

Mở đầu câu truyện là sự thuật lại cuộc sống thường ngày của gia đình ấy. Một người mẹ thì hết mực yêu thương và dạy dỗ con, vun vén cho gia đình, tôi xin dùng hai từ “đôn hậu” để nói về người phụ nữ ấy. Một người bố luôn dành thời gian cho vợ và cho các con, nếu ông bận thì chí ít cũng có những lý do phù hợp để khiến lũ trẻ phải tin, và luôn dành thời gian chơi bù vào những lần khác. Ba đứa trẻ đang trong độ tuổi khám phá thế giới, luôn tò mò về mọi thứ và không ngại thể hiện đam mê, và khát khao cháy bỏng của mình.

Sau chi tiết đó là sinh nhật lần thứ bốn của Peter, sự kiện nhóc được tặng cho một cái đầu tàu xe lửa. Và rồi sự cố đã xảy ra, đầu tàu nổ tan xác. Dường như khi đọc đến đây, quý độc giả cũng như tôi đều sẽ có một dự cảm chẳng lành gì mấy. Cha hứa sẽ giúp Peter sửa lại. Ấy thế mà, lời hứa đó sẽ mất rất là lâu mới thực hiện được nhưng không phải cha sửa mà do bởi người khác. Thế cha đâu? Mẹ bảo rằng cha bận, phải rất lâu mới về thăm lại được gia đình. Và sự thật đằng sau đó là gì? Sự thật nào đằng sau câu nói của Ruth, một chị giúp việc: “Rồi mày cũng chẳng có kết cục tốt đẹp gì đâu!”

Rồi chị Ruth cũng bị đuổi việc vì câu nói ấy. Gia đình gồm một người mẹ cắp nách theo ba đứa nhóc chuyển từ Luân Đôn đến một vùng quê khác để sống. Nơi mà mẹ phải lao tác vất vả trên những áng văn chương để kiếm sống, còn ba đứa trẻ thì mong ngóng đoàn tàu và thực hiện những chuyến phiêu lưu của mình. Nếu chỉ đọc tên tác phẩm “lũ trẻ”, “đường tàu” thì tôi tin chắc rằng quý độc giả cũng sẽ có những liên tưởng đến một tác phẩm cũng xuất hiện hình ảnh những đứa trẻ và đường tàu, ấy chính là “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam. Tuy nhiên, nếu “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam xuất hiện với những gam màu tối là chủ đạo, cuộc sống của chị em Liên và An dựa vào ánh sáng của đường tàu, một thứ ánh sáng duy nhất cứu rỗi cuộc đời và dìu dắt những chùm kí ức mong manh của hai em thoát khỏi một cái xã hội Việt Nam đầy quẫn bách lúc bấy giờ thì “Lũ trẻ đường tàu” lại xuất hiện với một gam màu tươi sáng hơn rất là nhiều. Lũ trẻ dựa vào đường tàu để làm niềm vui, để thực hiện những chuyến thám hiểm, để lấy cớ gặp gỡ những người mới, và còn hơn thế nữa, đường tàu gắn liền với những “chiến tích giải cứu lẫy lừng” của ba nhóc Bobbie, Peter và Phyllis và còn là cuộc hạnh ngộ của cả gia đình ở cuối truyện.

Đọc “Lũ trẻ đường tàu”, quý độc giả sẽ thấy rằng người cha và người mẹ hiện lên không tên, không tuổi, hoàn toàn vô danh. Nhưng ánh lên trong họ là những phẩm chất tuyệt vời và hết sức mẫu mực. Người cha và người mẹ ấy là cha mẹ của ba nhóc Roberta, Peter và Phyllis, hay cũng có thể là những người cha, người mẹ ngoài những trang sách kia, hay đó cũng chính là quý độc giả đang đọc câu truyện này. Chúng ta có thể học hỏi được tinh thần giáo dục và chia sẻ cùng con cái trên cả tuyệt vời. Những bạn nhỏ khi đọc truyện thì có thể khơi lên ý thích tò mò, học hỏi được sự trưởng thành qua từng ngày của lũ trẻ, học hỏi được cách hy sinh những vật thuộc về bản thân hay về chính mình để giúp đỡ những người khác mà không hề đòi hỏi một sự tuyên dương (à thì có thể là có đó, nhưng lời nhắn nhủ của người mẹ luôn xuất hiện kịp lúc như câu thơ trong Lục Vân Tiên “Làm ơn há dễ trông người trả ơn”).

Ai cũng mong muốn được tự mình viết lên những trang sách thật tươi đẹp dành cho bản thân và gia đình của mình. Ấy thế nhưng đó là công việc của Chúa. Chính nhân vật người mẹ, một nữ nhà văn trong truyện, cũng muốn thế. Nhưng bà ý thức được vai trò của việc cầu nguyện và “lòng xin vâng”, và bà đã truyền lại tinh thần ấy cho chính ba người con của mình: cầu nguyện, trông đợi và xin vâng. Nguyện xin cho mùa Giáng Sinh gần đến, mỗi con người chúng ta sẽ chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng, và chu toàn, ngỏ hầu được đón mừng Hài Nhi Giê-Su đến trong cung lòng của chúng ta. Hầu cho mỗi người chúng ta thay vì than thân trách phận mình và học hỏi được tinh thần Ki-tô giáo của người mẹ kia và tinh thần sẵn sàng hy sinh phục vụ của ba trẻ.

Một lần nữa, giọng văn của dịch giả Dạ Thảo sẽ không làm cho bạn thất vọng vì sự dễ thương, tinh nghịch khi miêu tả lũ trẻ và những nhân vật hài hước, cũng như không kém phần nghiêm khắc và hiền hậu thông qua lời thoại và cử chỉ của người mẹ. Khiến cho một dáng hình rất Tây Âu nhưng lại rất là Việt Nam quen thuộc.

Xin cảm ơn quý độc giả đã bỏ chút thời gian xem phần điểm sách này. Chúc quý độc giả có một mùa Giáng Sinh 2023 thật ấm áp và an lành, đầy tràn ơn Chúa Hài Đồng.