Nhà Tranh – một cuốn hồi ký đầy chân thực và thấm thía kể về quá trình khôn lớn và dần trưởng thành của chính tác giả Lý Trần trên đất Mỹ.
Quyển sách mở đầu với hình ảnh cô gái nhỏ cùng gia đình người Việt gốc Hoa của mình di cư sang Mỹ theo một chương trình nhân đạo do chính phủ thực hiện để tìm chốn dung thân. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của họ về giấc mơ ổn định cuộc sống, ba mẹ cô phải vật lộn, đấu tranh chống lại cái đói nghèo và khổ nạn đang bủa vây lấy gia đình sáu người bọn họ. Ban đầu, họ thiếu thốn đến mức phải xin quần áo đã cũ rách, những vật dụng và nội thất trong căn nhà được hỗ trợ đều là đồ kiếm được từ bãi thải hay phía sau trường học ở đối diện, và thậm chí các anh em trong gia đình của tác giả Lý còn phải đi xin lại đồ ăn thừa từ bạn học để mang về cho các bữa ăn trong ngày. Như vậy, cuộc sống của họ mới có thể duy trì khi mà chẳng có một công việc ổn định kiếm ra thu nhập nào. Dẫu nghèo khó là thế, tuổi thơ của cô bé ấy lại khá hạnh phúc và trọn vẹn trong mắt mình. Giọng văn tác giả ở giai đoạn này ngây ngô và hồn nhiên đến lạ, tới mức mình phải bật cười trong nước mắt vì các anh em của họ – những đứa trẻ vô tư trong cái nghèo đang ăn mòn tâm trí, làm rũa mục thân thể cha mẹ chúng.
Họ dần kiếm được tiền từ việc may cà-vạt và khăn. Mọi giai đoạn đều được nhà văn kể lại vô cùng tỉ mỉ và chân thực, nó khiến mình cảm tưởng như khung cảnh gia đình quây quần bên nhau trong một căn phòng, ngồi vòng quanh xếp thành một dây chuyền sản xuất để tạo nên sản phẩm hoàn thiện. Dù vất vả là thế, mình vẫn cảm thấy sự hạnh phúc và niềm hy vọng le lói nơi ngòi bút tác giả. Anh em trong gia đình của nhân vật Lý cũng dần lớn lên, trong đó Thịnh – người anh cả là nổi bật hơn hết, lại vô cùng chững chạc, nhạy bén và giỏi giang. Họ dần tiếp xúc với một ngôn ngữ mới mang tên tiếng Anh, song chỉ có cô con gái út trong gia đình, đồng thời là tác giả lại kém hòa nhập với nhịp sống hiện tại hơn cả. Trải qua bao nhiêu khó khăn, cuối cùng cô bé Lý đã dần làm quen được với mọi thứ.
Họ – dẫu cho những ánh mắt và thái độ kỳ thị vì chế độ phân biệt chủng tộc và giai cấp giàu – nghèo trong xã hội, vẫn cố gắng bám trụ lại nơi đất khách quê người với một khát khao duy nhất: tìm ra con đường sống cho chính mình.
Thế rồi kế sinh nhai duy nhất bỗng một ngày kia biến mất, cả gia đình họ lại lần nữa lao đao. Bố của Lý từng là một tù nhân chính trị, hiện tại vẫn sống với bóng đen quá khứ ám ảnh cuộc đời ông, vì thế mà thi thoảng chứng rối loạn lo âu vẫn hiện hữu khiến ông có hành vi “tệ bạc” với người vợ tần tảo và bốn đứa con nheo nhóc. Trong thời điểm khốn khó ấy, ông lại càng trở nên nóng giận một cách mất kiểm soát và bắt đầu trì triết tất cả những thành viên trong gia đình vô tội vạ. Song bất kể trong hoàn cảnh thế nào, họ vẫn luôn sống với một niềm tin tuyệt đối với Đức Phật và Quan Thế Âm Bồ Tát – những vị thần có lòng từ bi, quảng đại sẽ luôn đem đến phước lành cho họ. Và quả thật vậy, gia đình của nhân vật Lý đã luôn được “cứu vớt” trong những thời điểm cùng cực nhất. Lần này, họ nhờ đi chùa và thành tâm cầu nguyện nên gia đình đã nghĩ ra một cách khác để xoay sở trên đất Mỹ: mở tiệm làm móng.
Trải qua kỷ nguyên chật vật với gánh nặng về tài chính, khi họ ổn định hơn cũng là lúc những đứa trẻ trong gia đình ấy dần lớn lên. Người anh cả – Thịnh lúc này đã bất đồng quan điểm với bố khi anh cố gắng vươn ra ngoài biển lớn, thoát khỏi sự kìm kẹp cổ hủ của ông. Và nhen nhóm trong tâm hồn cô gái Lý cũng mong muốn được như anh mình, cô ngưỡng mộ và âm thầm ủng hộ mọi quyết định của anh.
Gia đình ấy dù nghèo khổ và bần hàn đến đâu cũng không để một đứa con nào từ bỏ việc học hành. Họ lần lượt học hết trung cấp và lên đại học, có cuộc sống riêng. Ngày mà anh trai cả của Lý bị đuổi khỏi nhà trong cơn nóng giận như nguyền rủa của bố, anh ấy thực sự đã đi khuất mắt ông và chẳng bao giờ trở về nữa. Khi thoát khỏi được sự vây hãm, tăm tối từ mặt trái của gia đình – nơi có người cha cổ hủ, luôn hung hãn dọa nạt các con, luôn thô lỗ đàn áp vợ, nơi mà người phụ nữ chẳng hề có tiếng nói hay được phép thổ lộ nỗi lòng mình dù chỉ một lần, cô gái Lý đã nghĩ mình may mắn. Tuy nhiên cô vẫn luôn canh cánh một trọng trách lớn trên đôi vai: đó là trở thành niềm tự hào của ba mẹ, để họ không phải sống trong đói nghèo, vì chính cô cũng muốn xé toạc khỏi cảnh cơ hàn này để vươn ra thế giới rộng lớn, mới mẻ kia. Áp lực và gánh nặng ấy dần phản tác dụng, đẩy cô vào trầm cảm và rối loạn lo âu. Những tổn thương trong quá khứ, hình ảnh của người bố bị ám ảnh tâm lý sau chiến tranh, người mẹ lại âm thầm chịu đựng và gần như phát điên lên đã làm cô day dứt và quay lại hỗn hào với chính đấng sinh thành của mình, thậm chí còn trách họ đã đẩy cô tới bước đường cùng ngày hôm nay.
Chính vì sự ích kỷ và đa đoan của bố, sự an phận cúi thấp đầu từ mẹ, cô gái ấy từ lâu đã gặp rắc rối với vấn đề về mắt nhưng lại chẳng dám ngỏ lời. Cuối cùng, dù được đưa đến bác sĩ, đôi mắt gần như đã “hỏng” của cô trở thành cái gai trong mắt bố mẹ. Họ phản đối, đay nghiến và ghét bỏ làm cho nhân vật đáng thương ấy khổ sở vô cùng, hệt như cách ba cô đã gay gắt khiến anh Thịnh phải bỏ nhà đi mãi mãi.
Quá trình sau đó là giai đoạn cao trào khi nhà văn biết đến tình yêu – thứ sức mạnh tinh thần đến kịp lúc để cứu rỗi trái tim khô cằn, đầy tổn thương của cô. Ngày các anh đoàn tụ, đồng thời bố cũng kịp nhận ra cái bản ngã chỉ toàn là sai trái của mình… tất cả đã góp phần chữa lành tâm hồn cô gái ấy trong những tháng năm trưởng thành khó khăn và gian lao. Cuối cùng khi đôi mắt dần lành lại, cô nghe tiếng ba gọi bên tai – người vô cùng yêu thương mà cũng thật hà khắc và tàn nhẫn với anh em cô. Ông là một lẽ sống, đồng thời cũng là người cô không muốn trở thành nhất.
Hành trình lớn khôn của nhà văn Lý Trần – cảm động và day dứt, cũng hạnh phúc và may mắn hơn bất kỳ mảnh đời nào. Từ một cô gái hồn nhiên, giọng văn hóm hỉnh dần chuyển sang nghiệt ngã, đay nghiến khiến bạn đọc nghẹt thở với ngôn từ mạnh và súc tích. Câu chuyện và hoàn cảnh của chị dưới ngòi bút kể lại của chính mình đã lay động trái tim bạn đọc khi mình đồng cảm sâu sắc với chị trong từng giai đoạn mà người con gái mạnh mẽ ấy phải trải qua. Hơn hết, mình cũng từng sống trong hoàn cảnh đó – gia đình chật vật tìm cách xoay sở qua ngày. Hồi ký này là một áng văn đẹp, dung dị nhưng vô cùng thấm thía, dễ dàng làm cho trái tim ai đó phải mủi lòng để cảm thấu mỗi khi lật trang qua từng giai đoạn cuộc đời chị. Mỗi nhân vật đều có cái khổ, niềm đau của riêng mình, nhưng dù vậy, họ vẫn mãi là một gia đình trọn vẹn.