Review: Tâm Lý Học Nơi Công Sở của tác giả Hwang Jung Chull

Tác giả:
Nguồn: Thu Hồng Hoàng


“Cuộc sống của nhân viên công sở là một chuỗi những căng thẳng liên tiếp”. Đây là câu nói mà khó có ai phủ nhận. Dù tích cực hay tiêu cực, căng thẳng luôn hiện hữu và không ai có thể rũ bỏ hay tránh khỏi nó. Chính vì vậy, nhiều người rơi vào trạng thái bất lực vì không thể thay đổi tình hình thực tế và liên tiếp nghỉ việc.

Thấu hiểu điều đó, tác giả người Hàn Quốc Hwang Jung Chull đã làm rõ những vấn đề tiêu cực xảy ra nơi công sở như ghen tị, đấu đá, huỷ hoại bản thân thông qua cuốn sách “Tâm lý học nơi công sở”. Đây thực sự là cuốn sách đặc biệt viết cho dân công sở. Muốn trưởng thành và thực sự hòa nhập ở chốn văn phòng, trước hết, chúng ta phải nắm chắc tâm lý học công sở để hiểu được suy nghĩ của đồng nghiệp, sếp hay đối tác.

Đánh giá cá nhân

Cuốn sách này đề cập đến những kiến ​​thức cơ bản về tâm lý học trong môi trường công sở và giúp bạn hiểu rõ hơn về cái gọi là “sự thăng hoa trong công việc”. Những vấn đề phiền muộn trong công sở như mâu thuẫn giữa thế hệ lớn tuổi hơn và nhỏ tuổi hơn, vấn đề nhảy việc ở người trẻ, sự đánh giá, ghen tị trong một nhóm,… đều được tác giả nêu rõ. Bên cạnh đó, Jung Chull còn đưa ra những lời khuyên hữu ích tới những nhân viên văn phòng đang bị đè nén bởi “cơn sóng thần của công việc”.

Sách nhỏ gọn, gồm 6 chương nhỏ, văn phong gần gũi, ít từ ngữ chuyên ngành. Bạn đọc là dân công sở chắc hẳn sẽ thấy một vài tình huống quen thuộc (bởi đã từng xảy ra với mình) qua góc nhìn khái quát, phân tích cụ thể hơn nhờ tác giả.

Tóm lại, Tâm lý học nơi công sở có thể trở thành điểm khởi đầu của sự chữa lành và thay đổi cho những sinh viên mới ra trường, thế hệ MZ vừa bắt đầu cuộc sống trong xã hội, thế hệ X và Y đang trong thời kỳ cống hiến trọn vẹn cho công việc – giống như tác giả Hwang Jung Chull hy vọng cuốn sách này có thể trở thành hòn đá ném xuống mặt hồ yên lặng trong tư tưởng của những nhân viên công sở chưa hề nghĩ đến sự thay đổi, sự mới mẻ.

Một số trích dẫn hay trong sách

  1. Khi còn trẻ tuổi, tương lai vẫn còn là thứ gì đó mơ hồ và xa vời. Nhưng giờ đây, tương lai ấy trở thành hiện thực khiến bạn không được phép lười biếng thêm nữa.
  2. Bắt đầu một điều mới mẻ luôn đi kèm bất an và sợ hãi. Nhưng nếu không dám thử thách bản thân thì ta cũng sẽ không học được cách quản lý chúng.
  3. “Nghỉ ngơi” nên là chiến lược sinh tồn cho một cuộc sống khác. Có như vậy, bạn mới nạp lại năng lượng trước guồng quay công việc không ngừng vắt kiệt sức lực của mình.
  4. Nơi làm việc nên là nền tảng và công cụ để phát triển chứ không chỉ là một phương tiện kiếm sống. Đó là lý do tại sao chúng ta nên trở thành “người lao động để phát triển” chứ không phải là “người lao động để kiếm sống”.