Hiển thị tất cả 11 kết quả

Erich Maria Remarque sinh ngày 22/6/1898 tại thành phố Osnabrück, thuộc miền tây nước Đức. Trưởng thành trong gia cảnh thiếu thốn, nên ngay từ thủa nhỏ Remarque đã phải tự mình làm việc kiếm tiền để đóng học phí. Tuy nhiên, điều đó không ngăn được cậu thiếu niên có tâm hồn lãng mạn, dào dạt tình yêu này đến với văn chương. Ở tuổi mười sáu, Remarque đã tập tành viết lách, ban đầu là một số bài tiểu luận và thơ, về sau là các bài viết đăng trên tờ báo của thành phố. Cậu cũng bắt tay vào viết bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tiên Die Traumbude.

Năm 1914, Thế chiến thứ nhất bùng nổ đã thay đổi cuộc đời Remarque mãi mãi. Mười tám tuổi, anh bị gọi nhập ngũ khi đang là sinh viên trường sư phạm. Không lâu sau khi ra mặt trận, Remarque bị thương phải về hậu phương nằm viện và trở lại chiến trường vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Chiến tranh kết thúc nhưng nỗi khủng khiếp của nó thì đeo đẳng Remarque đến hết cuộc đời.

Năm 1919, Remarque quay lại hoàn thành chương trình đại học rồi trở thành giáo viên nhưng đã xin thôi việc ngay. Ông bắt đầu chuỗi ngày xoay xở kiếm sống bằng việc chơi đàn tại một viện tâm thần, bán vải, rồi thậm chí là khắc bia mộ, lái xe đua, những công việc mà về sau đều được ông đưa vào các tác phẩm của mình. Song song đó, ông vẫn tiếp tục theo đuổi việc viết văn, viết báo; tuy nhiên, văn nghiệp thời kì đầu cũng trắc trở như chính cuộc đời khi tác phẩm đầu tay Die Traumbude xuất bản năm 1920 chẳng được mấy ai biết đến. Mãi đến năm 1924, cuộc sống của ông mới khởi sắc khi đầu quân cho tạp chí Sport im Bild ở vị trí phóng viên và trợ lí biên tập. Năm 1927, ông cho ra mắt tiểu thuyết thứ hai, Station am Horizont dưới hình thức đăng dài kì trên tạp chí này. Thật không may, tác phẩm cũng không gây được sự chú ý.

Nhưng tất cả đã thay đổi khi Phía Tây không có gì lạ (Im Westen nichts Neues) ra mắt vào năm 1929. Những mô tả chân thực về chiến tranh được cô đọng từ chính những trải nghiệm của tác giả đã giúp cuốn tiểu thuyết thứ ba của Remarque được đón nhận nồng nhiệt ở nhiều quốc gia. Chỉ trong vòng 18 tháng, cuốn sách đã được dịch ra 22 thứ tiếng và bán được 2,5 triệu bản. Ngay sau đó tác phẩm được Hollywood chuyển thể thành phim và lập tức đoạt hai giải Oscar, một dành cho Phim hay nhất và một dành cho Đạo diễn xuất sắc nhất. Trên văn đàn thế giới, cái tên Erich Maria Remarque bỗng chốc vụt sáng như một ngôi sao. Năm 1931, Remarque được đề cử giải Nobel Văn chương và Hòa bình.

Năm 1933 sự nghiệp văn chương và cuộc đời của Remarque lại một lần nữa bị thử thách khi chính quyền quốc xã đương thời cấm lưu hành Phía Tây không có gì lạ và phần tiếp theo của nó, Đường về (Der Weg zurück) xuất bản năm 1931, vì cái gọi là “tư tưởng chủ bại” trong các tác phẩm này. Các ấn phẩm này sau đó còn bị tiêu hủy trong các cuộc đốt sách công khai khiến Remarque buộc phải rời khỏi Đức, chuyển sang sống tại thị trấn Porto Ronco của Thụy Sĩ. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục viết sách về những con người đã trực tiếp tham gia và nếm trải sự tàn khốc của chiến tranh. Năm 1936, tiểu thuyết Ba người bạn (Drei Kameraden) ra đời, kể về cuộc sống của những người lính thời kì hậu chiến khiến Remarque chính thức bị tước quyền công dân Đức vào năm 1938. Những năm sau, ông lưu lạc giữa Hoa Kỳ và một số nước châu Âu, cho đến khi chính thức cư trú tại Thụy Sĩ từ năm 1948.

Chính trong giai đoạn này, Remarque đã tìm thấy chất liệu mới cho các sáng tác tiếp theo của mình với các thiên truyện đầy bi ai về thân phận những mảnh đời lưu vong. Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe – 1945) hay Đêm Lisbon (Die Nacht von Lissabon – 1962) là những tác phẩm tiêu biểu cho đề tài này. Và cùng với Lửa thương yêu, lửa ngục tù (Der Funke Leben – 1952), Thời gian để sống và thời gian để chết (Zeit zu leben und Zeit zu sterben – 1954), Bia mộ đen (Der schwarze Obelisk – 1956)… giai đoạn sáng tác hậu Thế chiến thứ hai của Remarque đã thành công rực rỡ khi các sáng tác của ông liên tiếp được đón nhận. Đến năm 1971, tiểu thuyết cuối cùng của Remarque Bóng tối thiên đường (Schatten im Paradies) ra mắt. Trong tiểu thuyết này, độc giả được dịp gặp lại một số nhân vật trong các tác phẩm trước đó. Họ cùng tìm đến Hoa Kỳ, miền đất hứa của những cánh chim tị nạn, nhưng trong lòng vẫn đau đáu nỗi hoài nhớ quê hương, như chính nỗi niềm tha hương của tác giả, dù cho đến cuối đời ông vẫn không quay về xứ sở của mình.

* * *

Tại Việt Nam, Remarque bắt đầu được bạn đọc biết đến từ năm 1962 qua bản dịch Phía Tây không có gì lạ của Lê Huy, rồi sau đó các tác phẩm khác của nhà văn lần lượt được chuyển ngữ ở cả hai miền Nam, Bắc. Cho đến nay đã có tổng cộng khoảng hai mươi bản dịch của chín tác phẩm Remarque, trong đó có cuốn có tới bốn bản dịch với các tựa khác nhau như Phía Tây không có gì lạ. Qua các tác phẩm này, độc giả Việt Nam đã bị rung động bởi thứ văn chương của những tâm hồn non nớt tinh khôi, chưa kịp trưởng thành đã vội vàng già cỗi, chưa kịp thấy cuộc đời tươi đẹp đã thấu suốt tang thương. Nhiều thế hệ đã cùng bầu bạn và trưởng thành với những nhân vật của Remarque; những nhân vật luôn ấp ủ niềm thương nhớ về một thế gian bất biến, cái thế gian chàng thanh niên Remarque đã vĩnh biệt khi vừa tròn mười tám niên hoa.

Để tái hiện lại thế giới ấy của Remarque, chúng tôi quyết định tái bản các tác phẩm tiêu biểu của ông. Đây là tám bản dịch được yêu thích nhất chọn lọc qua toàn bộ các bản dịch đã xuất hiện ở Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch Phía Tây không có gì lạ hoàn toàn mới, cùng tác phẩm lần đầu tiên ra mắt ở Việt Nam là Đường về, đều được dịch từ nguyên bản tiếng Đức bởi dịch giả Vũ Hương Giang, người đã chuyển ngữ thành công tác phẩm Ba người bạn. Như thế, với bộ hợp tuyển này, hi vọng bạn đọc sẽ có cơ hội thưởng thức trọn vẹn tài năng văn chương của một trong những nhà văn Đức được yêu mến nhất thế kỉ 20.

3K 2.3K

Tiểu thuyết

Ba Người Bạn

2.9K 2.2K

Tiểu thuyết

Bản Du Ca Cuối Cùng

2.5K 1.9K

Tiểu thuyết

Bia Mộ Đen

2.1K 1.6K
2.9K 2.3K

Tiểu thuyết

Đêm Lisbon

4K 3.1K

Tiểu thuyết

Đường Về

3.8K 2.9K

Tiểu thuyết

Khải Hoàn Môn

2.9K 2.2K